Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải

09/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 09/6/2022, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại hội trường về Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải.

Tại phiên chất vấn, các Đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc; Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách Nhà nước; Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

"Nóng" ngay đầu phiên chất vấn, hàng loạt Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) triển khai chậm trễ trong nhiều năm. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho hay, việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015, tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện đến nay việc này chưa hoàn thành. Thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành trước ngày 30/06/2022 gần như không thể đạt được. Chính vì vậy, Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ này?

Theo Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo từ ngày 31/7/2022 nếu không hoàn thành việc lắp đặt thì phải xả trạm. Đại biểu đặt câu hỏi việc này có thực hiện được hay không hay phải tiếp tục gia hạn? Còn đối với lái xe khi đi vào làn thu phí không dừng không đúng quy định sẽ bị phạt, vậy nếu xe đi vào làn này mà xảy ra sự cố về công nghệ thông tin thì xử lý, giải quyết ra sao, các trạm thu phí có bị xử phạt hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nói năm 2015, Chính phủ triển khai thu phí không dừng, đây là công nghệ mới, giúp đi lại thuận lợi, việc thu phí công khai, minh bạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai, có nhiều vướng mắc, một phần do thói quen người dân và công nghệ trong quá trình triển khai có sai sót về kỹ thuật. Với 113 trạm BOT, mục tiêu đặt ra là đến năm 2019 hoàn thành, Bộ Giao thông Vận tải đã rất nỗ lực nhưng chưa thể xong.

Theo Bộ trưởng, 28 trạm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn, do vướng mắc về tái cơ cấu nên không có kinh phí triển khai. Chính phủ đã họp rất nhiều, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây hai ngày, VEC đã ký hợp đồng với các tổ chức tín dụng để triển khai thu phí không dừng.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến 30/6/2022, toàn bộ trạm BOT, trừ của VEC phải hoàn thành lắp đầy đủ thu phí không dừng ở các làn, mỗi trạm trừ 2 làn ở hai bên để giải quyết tình huống phức tạp đột xuất, còn lại thu phí không dừng. Các trạm của VEC đến cuối tháng 7/2022 hoàn thành tiến độ. Đến nay, tiến độ cơ bản được đảm bảo, "Chính phủ lần này rất cương quyết, nếu cuối tháng 6/2022 các trạm chưa hoàn thành thì dừng thu phí, khi làm xong mới được thu. Đến nay cả nước dán được 3,2 triệu thẻ thu phí không dừng trên tổng số 4 triệu ôtô, chiếm 69%. Đầu tháng 6 vừa qua, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng 100% và thực hiện rất tốt" – Bộ trưởng cho biết.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu TP. Hà Nội)

Tham gia tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu TP. Hà Nội) nhắc "chắc Bộ trưởng còn nhớ khi mới nhậm chức, tôi từng chất vấn câu hỏi về BOT, Bộ trưởng khi đó hứa với tôi chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2019 sẽ hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng. Nhưng suốt thời gian qua chúng ta làm nửa vời, thiếu kiên quyết, chưa có hạn chót. Nhiều nơi làm nhưng chỉ được một hai luồng trên rất nhiều luồng qua trạm thu phí, nhiều khi đi qua tôi thấy rất kỳ lạ” – Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Việc thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT phải minh bạch hoạt động thu tiền, tài chính. "Cử tri cho rằng chậm triển khai thu phí không dừng là do có gian lận, lợi ích nhóm. Thực sự có thật hay không, phải trả lời được câu hỏi này", đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm và yêu cầu cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án BOT trên toàn quốc thời gian tới.

Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đến năm 2019, theo Đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT ít nhất có 2 làn thu phí tự động. Lý do là nếu chưa có nhiều ôtô dán thẻ thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, cả nước đã có 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng, là thời điểm chín muồi để sử dụng các làn thu phí tự động.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này. "Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan Nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này" – Bộ trưởng khẳng định.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu TP. HCM)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu TP. HCM) đề cập tới việc xây dựng chậm, phân bổ không đồng đều giữa các tuyến cao tốc giữa các vùng miền, nhất là "trắng" cao tốc tại các vùng kinh tế như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc, nhưng chưa được đầu tư đường bộ cao tốc tương xứng với tiềm năng. "Việc đầu tư hạ tầng giao thông tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì lãng phí, cản trở phát triển rất lớn. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp khắc phục?" - ông Trương Trọng Nghĩa chất vấn.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện các tuyến đường cao tốc đang còn mất cân đối giữa các vùng, miền, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đang tập trung triển khai quyết liệt các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh…Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã chỉ ra, trong danh sách bổ sung các tuyến cao tốc vào quy hoạch này, khu vực phía Bắc vẫn được ưu tiên với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía Nam và miền Trung, Tây nguyên.

Để khắc phục tình tình trạng "lệch pha" trong đầu tư cao tốc hiện nay, Bộ trưởng cho biết vừa qua một số tuyến cao tốc phía Nam đã được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc trong quy hoạch đã được đánh giá, cân đối kỹ lưỡng về điều kiện khu vực, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền. Bộ trưởng hy vọng với các quy hoạch điều chỉnh thì mạng lưới đường bộ cao tốc tại khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hơn, nâng cao tính hấp dẫn khi thu hút đầu tư các tỉnh, thành trong khu vực….

Bộ trưởng nhấn mạnh, các dự án trọng điểm quốc gia đều mang tính liên vùng và trong điểm của các địa phương. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp định kỳ hàng tháng và trực tiếp kiểm tra công trường để kiểm điểm tiến độ, chất lượng và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn Đại biểu tỉnh An Giang) nêu câu hỏi: Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình 5 dự án giao thông trọng điểm nhằm mở rộng không gian đô thị, tạo hành lang liên kết vùng. "Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ có giải pháp gì để nâng cao năng lực các dự án. Bộ khuyến nghị gì với các địa phương có dự án đi qua?” - ông Trình Lam Sinh chất vấn.

Bộ trưởng Thể cho biết, ngoài 5 dự án cao tốc đang trình, ngành đang triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1, cũng như 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay khởi công. Việc này rất khó khăn cho các địa phương về vật liệu xây dựng. Về quản lý dự án, ông Thể nói hiện các địa phương đều có ban quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý tất cả công trình từ giao thông, xây dựng, nông nghiệp, trong đó có cả công trình vốn ODA. Do đó, Bộ đang kiến nghị các địa phương chọn một ban mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất để hình thành Ban quản lý dự án chủ lực cho tỉnh. Các Ban quản lý dự án có thể thuê chuyên gia, những người có kinh nghiệm ở các cơ quan, doanh nghiệp tập hợp thành lực lượng mạnh; có thể liên doanh, liên kết với Ban quản lý dự án ở trung ương như Bộ Giao thông, Nông nghiệp, thành liên doanh điều hành dự án.
 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời tại phiên chất vấn

Vấn đề được các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn là tiến độ của dự án đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay ra sao trong bối cảnh dự án gặp khó về giá cả vật liệu xây dựng tăng và thiếu vật liệu đắp nền. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này Bộ đảm bảo các dự án cơ bản có thể hoàn thành đúng tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án cao tốc Bắc-Nam triển khai hơn 10 dự án, trong đó có 4 dự án hoàn thành trong năm 2022 và 4 dự án hoàn thành năm 2023. Đối với 4 dự án hoàn thành trong năm 2022, tiến độ hiện đạt hơn 58% và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rút ngắn thời gian 3 tháng. “Chúng tôi đang tập trung thực hiện và có một số dự án rút ngắn được 3 tháng nhưng có một số dự án trong thời gian ngắn khó có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, Bộ đang giám sát chặt tiến độ để đảm bảo hoàn thành dự án theo yêu cầu. Có hai dự án chúng tôi lo lắng là dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Dầu Giây- Phan Thiết. Hiện dự án Phan Thiết – Vĩnh Hảo tỷ lệ hoàn thành 40% và chúng tôi đang phấn đấu đến 30/6/2022 đạt 50,8%. Sau 30/6 các hợp phần còn lại của dự án là trải đá và thảm nhựa, các nhà thầu sẽ đảm bảo đạt được tiến độ. Đối với tuyến Dầu Giây- Phan Thiết hiện đạt tỷ lệ 40% và cố gắng hoàn thành nền đất trong tháng 6 để tháng 7 tập trung thảm nhựa. Về nguyên liệu cho các dự án, chúng tôi cố gắng trong tháng 6 sẽ đảm bảo đầy đủ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hàng tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp họp kiểm điểm với Bộ về tiến độ các dự án và hàng tuần, các Thứ trưởng cũng đi kiểm tra thực tế công trình, giám sát tiến độ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn. Bộ đang phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km của 4 dự án giai đoạn 1. Tuy nhiên, các dự án còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết ở phía Nam đang mưa, giá vật liệu tăng mặc dù các dự án lớn đều có cơ chế điều chỉnh giá. Bộ sẽ phối hợp với các địa phương có thông báo sớm giá vật liệu xây dựng để kịp thời điều chỉnh khối lượng nhằm giảm bớt về chênh lệch giá cho các nhà thầu. Còn 4 dự án phải hoàn thành năm 2023 hiện tiến độ tốt hơn 4 dự án phải hoàn thành trong năm nay nên không đáng lo ngại./.

Hà Linh

Xem thêm »