(sav.gov.vn) - Chiều 09/6/2022, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương” do Ths. Nguyễn Văn Quang và cử nhân Trần Thị Khánh Ngà – KTNN khu vực 13 đồng chủ nhiệm. Ths. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
hs. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, trong cơ cấu chi ngân sách địa phương (NSĐP), kinh phí sự nghiệp môi trường luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn, đặc biệt là tại các đô thị phát triển. Vì vậy, trong các cuộc kiểm toán NSĐP, KTNN thường xuyên chọn mẫu thực hiện kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường trong tổng nguồn kinh phí sự nghiệp khác khi thực hiện kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp như Sở Tài chính và các Phòng Tài chính - Kế hoạch. Thông qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra các sai phạm thường xuyên xảy ra tại các đơn vị sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường như: áp dụng sai định mức, khối lượng trong lập dự toán, việc nghiệm thu, quyết toán chưa chặt chẽ…
Tuy nhiên, hiện nay, KTNN có rất ít đề tài khoa học nghiên cứu về cách thức tổ chức, phương pháp và thủ tục kiểm toán… đối với công tác kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán NSĐP. Hơn nữa, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý kinh phí môi trường ngày càng nhiều và thay đổi liên tục trong các năm qua. Do đó, việc hệ thống hóa lại các quy định pháp luật về việc quản lý, sử dụng kinh phí môi trường, xác định các rủi ro trong công tác quản lý kinh phí sử dụng môi trường và xây dựng đề cương, hướng dẫn kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường là cần thiết.
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương” có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn trong hoạt động của KTNN.
Đề tài được nghiên cứu với mục đích hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan, gợi ý giải pháp về công tác tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí môi trường tại các địa phương.
Đề tài tập trung nghiên cứu hệ thống quy định pháp lý, đặc điểm, yêu cầu trong việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và công tác kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường trong kiểm toán NSĐP do KTNN thực hiện.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn 4 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và các cuộc kiểm toán NSĐP có kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường do KTNN khu vực XIII thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.
Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 2 chương: Tổng quan về kinh phí sự nghiệp môi trường và kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; Hoàn thiện tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán NSĐP.
Nhận xét về đề tài, các ý kiến thống nhất, đề tài đã tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản: Hệ thống hóa cơ sở lý luận về kinh phí sự nghiệm môi trường và kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệm môi trường; Đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán NSĐP tương đối đầy đủ và toàn diện đối với phạm vi của đề tài cấp cơ sở; Đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán NSĐP. Đặc biệt một số giải pháp về nội dung và thủ tục kiểm toán tương đối chi tiết và có giá trị áp dụng.
Để hoàn thiện đề tài, các ý kiến cho rằng:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài chỉ nên xác định đối tượng là "công tác tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở địa phương".
Về phạm vi nghiên cứu của đề tài, đề nghị bổ sung kết quả kiểm toán từ năm 2020 đến nay để có giá trị thực tiễn hơn, hiện Ban chủ nhiệm đề tài xác định thời gian nghiên cứu từ 2018-2020.
Trong Chương I cần bổ sung các khái niệm như: “kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường”, “kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường” và “nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường”; Sửa “Quy định pháp lý trong công tác quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường” cho phù hợp với nội dung trình bày; Cơ sở lý luận về tổ chức kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường nên biên tập ngắn gọn, tập trung vào 02 điểm chính: Kinh phí sự nghiệp môi trường là một khoản mục chi trong Báo cáo quyết toán NSĐP là đối tượng kiểm toán của KTNN; Yêu cầu kiểm toán môi trường trong đó có các nội dung liên quan đến kinh phí sự nghiệp môi trường của các địa phương.
Đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài phân biệt giữa “cơ sở pháp lý” và “cơ sở lý luận”, hiện đang trình bày như cơ sở pháp lý cho kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường. Cân nhắc bổ sung “cơ sở lý luận về kiểm toán kinh phí sự nghiệp môi trường” như: Mục tiêu kiểm toán, nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán và phương pháp kiểm toán… thì sẽ phù hợp hơn; đồng thời làm cơ sở cho việc đánh giá thực trạng.
Chương II, đề nghị rà soát, biên tập lại theo hướng đưa ra các định hướng lớn của KTNN, trong đó có định hướng về kiểm toán NSĐP; kiểm toán sự nghiệp môi trường; kiểm toán sự nghiệp môi trường trong kiểm toán NSĐP. Bổ sung định hướng thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 cho phù hợp với định hướng phát triển của KTNN.
Các giải pháp nên biên tập theo các nhóm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, các văn bản quy định, hướng dẫn kiểm toán; Hoàn thiện công tác kiểm toán (bao gồm việc xác định rõ mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và cách thức tổ chức đoàn kiểm toán); Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Ths. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, đề tài đã xác định được mục tiêu, đối tượng, phương pháp và phạm vi nghiên cứu, về cơ bản phù hợp với mục tiêu, nội dung của thực tiễn công tác kiểm toán của KTNN. Việc nghiên cứu đề tài vừa có ý nghĩa về mặt lý luận, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn áp dụng tại KTNN. Kết quả nghiên cứu chính của đề tài đã đề xuất kiến nghị, giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường trong cuộc kiểm toán NSĐP.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện đề tài. Trong đó lưu ý bổ sung phạm vi nghiên cứu đề tài từ 2018-2021; Công tác tổ chức thực hiện cần đặt trọng tâm là kết quả đạt được; Đề tài nên đề xuất hệ thống các tiêu chí đánh giá công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường tại các địa phương để việc phân tích, đánh giá trở nên sát thực hơn; Đề tài cũng cần viết ngắn gọn lại đề mục các chương, đảm bảo tính logic.
Đề tài được thống nhất xếp loại Khá./.
Ngọc Bích