(sav.gov.vn) – Chiều 09/6/2022, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh báo cáo một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành phiên chất vấn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của ĐBQH
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cảm ơn các ĐBQH, đồng bào cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, xây dựng các Báo cáo của Chính phủ, báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) năm 2021 và tình hình phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, hầu hết các ĐBQH đánh giá cao kết quả đạt được. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề cập về những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực, cần khẩn trương khắc phục, xử lý hiệu quả. “Chính phủ xin trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu, các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đông đảo cử tri cả nước” – ông Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ, nhận thức rõ trách nhiệm, thời gian tới, Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Tại phiên chất vấn, có 34 ĐBQH đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tập trung vào các vấn đề: Quan điểm của Chính phủ đối với đề xuất Lịch sử là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới; Việc triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về quản lý và sử dụng tài sản công là đất công; Việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; Nguyên nhân khách quan và chủ quan việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra; Giải pháp của Chính phủ nhằm khắc phục những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; Việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; Giải pháp khắc phục lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Những khó khăng, vướng mắc và giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn ngân sách Nhà nước; Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước…
Trả lời chất vấn của ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) đề nghị Chính phủ trả lời về việc: “Chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công có phải do rào cản pháp luật hay không?”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công triển khai chậm, Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát lại về vấn đề thể chế, xem xét những vướng mắc làm chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tổ công tác đã yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, các địa phương báo cáo. Báo cáo tổng hợp cho thấy, các vấn để chủ yếu gặp phải là do hiểu chưa hết các quy định thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành giải thích về các quy định trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Phạm Bình Minh cho biết sẽ tập hợp các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy định của pháp luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành, để báo cáo, đề xuất với Quốc hội.
Bày tỏ nhất trí với Báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng về nội dung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế Chính phủ, song, đại biểu Cầm Hà Trung (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ thêm về những hạn chế liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục, bộ, ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp để đưa ra Chính phủ…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nếu tuân thủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc thì sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Chính phủ đã đề ra những quy định, có những nhóm giải pháp như minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò của ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ.
Về câu hỏi liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn ODA của đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, đây là nguồn vốn hết sức quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực huy động hết sức cần thiết, không dễ tiếp cận. Việc chúng ta vẫn huy động được nguồn vốn ODA cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này được đánh giá là hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, đây là chương trình có vai trò quan trọng, tiếp nối Chương trình xóa đói giảm nghèo của giai đoạn trước. Chính phủ đã ban hành các văn bản để giúp cho quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo phù hơp với Luật Đầu tư công. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần phải ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để là căn cứ để các địa phương triển khai, địa phương chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để giải ngân nguồn vốn này, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia./.
M. Thúy