(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 24/5/2022, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quốc hội đã thảo luận tổ về nội dung này với 87 lượt ý kiến phát biểu, Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận với các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và các gợi ý thảo luận của cơ quan thẩm tra tập trung vào các nội dung về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết, căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý để ban hành Nghị quyết, các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, việc quản lý quy hoạch đất đai để chuẩn bị thu hồi đất để tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư công, về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, và các vấn đề có liên quan khác liên quan đến dự thảo Nghị quyết.
Tại phiên thảo luận, đã có 15 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, có 1 ý kiến tranh luận. Đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý: Nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Vì vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để Khánh Hòa thu hút được nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tương xứng với vị trí đặc biệt của Khánh Hòa, đồng thời cần đảm bảo tính khả thi cao hơn cho các chính sách đã đề ra trong Nghị quyết, thể hiện rõ hơn nữa quan điểm phát triển tỉnh Khánh Hòa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Cùng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép Khánh Hòa thực hiện một số cơ chế đặc thù là đúng và cần thiết.
Theo đại biểu, còn bốn chính sách chưa có cơ chế tương đồng gắn với đặc thù riêng của Khánh Hòa. Đó là cơ chế chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đai tại khu vực kinh tế Vân Phong; cơ chế chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong và cơ chế, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Đại biểu cho hay, qua các tài liệu và Tờ trình của Chính phủ cho thấy, các cơ chế, chính sách này đều có cơ sở thể hiện. Theo đó, đối với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vân Phong, Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09-NQ/TW là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Thực tiễn cho thấy, Khu kinh tế Vân Phong, trong đó có Bắc Vân Phong đã từng là khu vực dự kiến hình thành khu hành chính kinh tế đặc biệt. Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92/2006/QĐ-TTg năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. "Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển"- đại biểu Tô Văn Tám đề nghị.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đại biểu thống nhất theo Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra là phải có cơ chế đặc thù, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của các tỉnh Nam Trung Bộ, Cam Lâm trở thành khu đô thị, sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Đại biểu cũng lưu ý, tờ trình cho phép thời gian chuyển nhượng dự án như trong dự thảo là ngắn, có thể dẫn đến lợi dụng chính sách đầu tư, không thực hiện dự án theo phê duyệt, mà chờ đợi nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, hưởng chênh lệch…
Đại biểu Hà Quốc Trị (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) khẳng định: Khu vực Bắc Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong là một trong ba địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Vì vậy, các chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương và phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, bảo đảm tính minh bạch.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã phát biểu cho ý kiến về tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và rừng sản xuất; việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết; quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
M. Thúy