(sav.gov.vn) - Theo tin từ Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021. Cả nước có 60/63 địa phương tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó 47 địa phương đạt trên 58% dự toán.
Chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 713 nghìn tỷ đồng
Trong đó: Thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán; Thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán, tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2021; Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ, tổng số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đến ngày 30/6/2022 đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch các mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh như: xăng dầu, chất dẻo, hóa chất, điện thoại và linh kiện, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu...
Chi NSNN 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cân đối NSNN, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo.
Được biết, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 chi cho đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao 542,1 nghìn tỷ đồng; các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương tăng thêm khoảng 43,5 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hiện còn 09 Bộ, cơ quan Trung ương, 06 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch nguồn vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao; 11 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân do 09 Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí trên 88 nghìn tỷ đồng; sẽ tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo quyết định của Thường vụ Quốc hội, sẽ giảm thêm 7 nghìn tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính cũng đang trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và ước các chính sách này nếu được thông qua sẽ giảm thêm 35 nghìn tỷ đồng. Tổng mức giảm dự kiến lên tới 126 nghìn tỷ đồng, là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, để hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022, Bộ Tài chính đã xây dựng các giải pháp: Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đảm bảo tỷ giá ổn định, đồng tiền không mất giá; tập trung quản lý chống trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là chống thất thu thuế trong hoạt động mua bán online; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; phối hợp chặt chẽ trong vấn đề kiềm chế lạm phát...
Đặc biệt trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các chính sách pháp luật đến mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý tài sản công; tiêu chuẩn định mức mua sắm tài sản công; chế độ công tác phí; hoạt động phát triển quỹ đất.../.
Khánh Vy