(sav.gov.vn) - Chiều 14/7/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự buổi làm việc.
Trình bày kết quả rà soát sơ bộ về Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát, cho biết: giai đoạn 2016 – 2021, Bộ đã quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 236.494 triệu đồng, chi đầu tư tiết kiệm 111.004 triệu đồng; rà soát, cắt giảm 60 nhiệm vụ không còn cấp bách và 11 nhiệm vụ đã được phê duyệt mới nhưng chưa phê duyệt dự toán; hoàn thiện hồ sơ dừng 76 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, rà soát lại dự toán của 160 đề tài, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 2.787 triệu đồng; giảm cấp phát 1.329 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Nam cũng chỉ ra, các chỉ tiêu tiết kiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được định lượng đầy đủ, chưa gắn chặt với từng nội dung công việc, từng sản phẩm cụ thể trong điều hành thực hiện dự toán ngân sách. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn bức xúc ở một số nơi. Các số liệu, thông tin trong Báo cáo của Bộ còn nêu chung chung, không làm rõ số liệu: về diện tích đất đã giao nhưng chưa thu tiền sử dụng đất; diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất hoang hóa không sử dụng hoặc chưa sử dụng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất dịch vụ… Tổ công tác đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, kết luận, đề xuất với Quốc hội về các giải pháp siết chặt quản lý và xử lý những tồn tại này.
Quang cảnh cuộc làm việc
Trước những hạn chế được Tổ công tác nêu ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, nguyên nhân chủ quan là do chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường đang trong quá trình hoàn thiện, còn nhiều điểm chồng chéo và chưa theo kịp quá trình phát triển. Nguồn lực, nguồn vốn đầu tư cho công tác điều tra cơ bản còn hạn chế. Hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động về tài nguyên, môi trường chưa được thực hiện đồng bộ, chưa có chế tài và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động tài nguyên, bảo vệ môi trường. Một số địa phương còn quá chú trọng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả trước mắt, dẫn đến khai thác sử dụng tài nguyên quá mức, thiếu bền vững, môi trường bị ô nhiễm…
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản bám sát, mục đích, yêu cầu của Đoàn giám sát, bổ sung tương đối đầy đủ bảng biểu, phụ lục minh chứng cho các nhận định trong báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ khó khăn của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phụ trách những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm và rất nóng (đất đai, nước, khoáng sản, địa chất, môi trường, khí hậu…), trong khi chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, điều khoản chuyển tiếp sau nhiều lần sửa đổi cũng chưa rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ cần làm rõ, chính sách, pháp luật nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, đặc biệt, cần tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng tiến độ và bảo đảm về chất lượng.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương lượng hóa, cập nhật các số liệu về: diện tích đất đã giao chưa thu tiền sử dụng đất; diện tích đất sai phạm; diện tích đất hoang hóa; diện tích đất nông, lâm trường chưa được xử lý; diện tích đất của các dự án treo; diện tích đất của các dự án sai phạm đã xử lý hành chính nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng; đất liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp... Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn về những khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước, nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm cụ thể. Với những vấn đề đã chín, đã rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung khắc phục ngay, tạo chuyển biến trong thực tế chứ không đợi đến khi Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra.
Hà Linh