7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm

29/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tổng cục Thống kê cho biết, Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7/2022 ước đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 237,6 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 42,3% và tăng 6,3%).

Đầu tư công tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Có 3 Bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1%). Có 36/51 Bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 Bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% (có 1 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, ngày 27/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 8 Bộ, ngành Trung ương và 4 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương gồm: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 Bộ ngành và 4 địa phương nêu trên là 24.723 tỷ đồng. Đến nay các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã cơ bản hoàn thành phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án, chỉ còn một số đơn vị chưa phân bổ chi tiết. Về giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tổng số giải ngân vốn NSNN của 8 Bộ ngành, cơ quan Trung ương đến hết tháng 7/2022 là 424,263 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Đối với 4 địa phương Tây Nam Bộ, tổng số vốn NSNN đã giải ngân tính đến 30/6 là 5.225,353 tỷ đồng, đạt 23,5%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt 21,3%; nguồn vốn ODA giải ngân đạt 6,1%, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 27,6%. Ước giải ngân 7 tháng của 4 địa phương đến 30/7 khoảng 6.968,94 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 34,47%.
 
Khó khăn vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng tới giải ngân vốn đầu tư công là do: Giá nguyên vật liệu tăng cao; khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; đối với các dự án khởi công mới, nhiều công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng; một số dự án được bố trí nhiều vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ rất chậm; các dự án cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến thể chế… Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị dự án chất lượng thấp nên vướng mắc khi triển khai; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm. Các đơn vị, Bộ, ngành nêu trên còn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng. Do nhiệm vụ đầu tư xây dựng và kế hoạch đầu tư hằng năm không lớn nên bộ máy giúp việc cho Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực…

Về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư; tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân; tiếp tục xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hằng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Trước đó, chiều 25/7/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 làm việc với 17 Bộ, cơ quan Trung ương, 2 địa phương gồm Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.

Tính đến ngày 30/6, tỉ lệ giải ngân của 17 Bộ, ngành trên đạt khoảng 1.585 tỷ đồng, đạt 8,77% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của của cả nước là 27,86%; 2 đơn vị chưa giải ngân được vốn kế hoạch, 1 đơn vị giải ngân được trên 20%. Tính đến 22/7, tỉnh Cao Bằng giải ngân đạt 20,1%, tỉnh Bắc Kạn đạt 22,2%. Nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do: Thay đổi cơ chế, chính sách trong thực hiện hợp đồng xây dựng, dự án ODA; biến động giá vật liệu, nhân công xây dựng; một số dự án trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc chưa đến điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu khối lượng hoàn thành; đặc thù của chi đầu tư công thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, việc giải ngân vốn đầu tư cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng mới có thể làm thủ tục thanh toán; các dự án mới phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khắc phục ngay một số vướng mắc, hạn chế, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, Tổ công tác số 3 của Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản thường xuyên đôn đốc địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tăng cường năng lực các ban quản lý dự án… Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo là có tiền phải giải ngân được, những dự án chưa đủ thủ tục phải hoàn trả, đồng thời các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để cấp lại vốn./.

Khánh Vy
 
 

Xem thêm »