(sav.gov.vn) - Ngày 3/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác các tháng cuối năm 2022.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng, Chánh Văn phòng Đảng-Đoàn thể Nguyễn Mạnh Cường cùng lãnh đạo và công chức của Vụ TCCB.
Báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ Vụ TCCB, Vụ trưởng Vụ TCCB Đỗ Văn Tạo cho biết: Vụ TCCB có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý, thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế, ngạch, tiền lương; quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Theo đó, trong thời gian qua, Vụ đã quán triệt triển khai thực hiện nhiệm vụ đến từng công chức theo đúng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền được giao, cùng với sự phối hợp của các đơn vị trực thuộc, công tác tổ chức cán bộ đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra; các nội dung công việc được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch. Tập thể Vụ TCCB là tập thể đoàn kết, nhất trí cao, luôn được Lãnh đạo KTNN và các đơn vị trong, ngoài Ngành đánh giá cao.
Bên cạnh việc thực hiện theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Chính phủ về công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, Vụ TCCB đã nghiên cứu, tham mưu ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước và phù hợp với đặc thù của KTNN. Hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ của KTNN đã được hoàn thiện căn bản, đảm bảo các hoạt động của KTNN nói chung về công tác cán bộ nỏi riêng ngày càng chuẩn hóa và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động kiểm toán.
Theo Vụ trưởng Đỗ Văn Tạo, tổ chức bộ máy của KTNN được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất. Cơ cấu tổ chức của KTNN thực hiện theo Luật KTNN và Nghị quyết của UBTVQH. Hiện nay, tổng số đơn vị cấp Vụ trực thuộc KTNN gồm 32 đơn vị, tổ chức theo các khối: Tham mưu, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, đơn vị sự nghiệp. Tổng số đơn vị cấp phòng, ban hiện nay là 194. Các đơn vị cấp phòng được tổ chức theo mô hình phòng chuyên môn hóa.
Để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho KTNN, trong điều kiện tổng biên chế giới hạn của KTNN, Vụ TCCB đã chủ động đề xuất, tham mưu tổ chức công tác tuyển dụng theo đúng quy định, khách quan, công khai, minh bạch, tập trung vào việc lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có đủ điều kiện theo diện thu hút nhân tài theo quy định. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức của KTNN từng bước được tăng cường về số lượng, chất lượng, cơ cấu công chức dần hoàn thiện, đủ năng lực và trình độ thực thi công vụ.
Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện thường xuyên, góp phần từng bước điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức trong toàn Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ; khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín về cán bộ trong từng đơn vị; thực sự tạo điều kiện tốt cho việc bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài của KTNN và các đơn vị mới, địa bàn mới; là cơ hội, điều kiện để cán bộ trẻ có triển vọng trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của KTNN.
Vụ TCCB đã chủ trì tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Kiểm toán viên của KTNN; chủ trì, phối hợp với Trường Đào tạo, Vụ HTQT và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn và hằng năm.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN tập trung vào chương trình, nội dung chính: Chương trình bồi dưỡng chuyên môn các ngạch Kiểm toán viên (KTV) nhà nước theo 3 ngạch KTV, KTV chính và KTV cao cấp; bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo từng lĩnh vực kiểm toán theo các cấp độ; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán; tập huấn đề cương kiểm toán; bồi dưỡng tiếng Anh, công nghệ thông tin; bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức an ninh-quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước các ngạch và các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác.
Về chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, Vụ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN. Đến nay KTNN đã xây dựng được hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương đối toàn diện cho đội ngũ KTV nhà nước từ Chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và các chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán các lĩnh vực theo các cấp độ cũng như các chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán…
Căn cứ vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được phê duyệt, Vụ TCCB và các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Vụ TCCB đã tham mưu việc tăng cường xây dựng và kiện toàn đội ngũ giảng viên của Ngành theo hướng tăng cường giảng viên từ nguồn cán bộ, công chức, viên chức của KTNN. Theo Quyết định 1521 năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước đã công nhận danh sách giảng viên kiêm chức của KTNN gồm 69 người là Lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng. Đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức của KTNN đều có kinh nghiệm thực tiễn công tác, có phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
Theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và triển khai thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Vụ TCCB tham mưu Lãnh đạo KTNN xây dựng các Đề án về tổ chức cán bộ: Đề án Vị trí việc làm; Xây dựng bảng lương chuyên ngành của KTNN; Đề án nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính; Đề án nâng cấp Trường ĐT&BD NVKT thành Học viện Kiểm toán.
Báo cáo của Vụ TCCB cũng tập trung đánh giá một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: Việc triển khai định hướng phát triển tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của KTNN theo quy định trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 còn gặp khó khăn, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị thực hiện theo định hướng của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả; Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu đặt ra; Công tác đánh giá cán bộ mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tâm trong những tháng cuối năm, Vụ trưởng Đỗ Văn Tạo cho biết, trong thời gian tới, Vụ TCCB sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm 2022 của Vụ TCCB, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng văn bản; công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương; công tác nhân sự; công tác đào tạo…
Tại cuộc họp, Trưởng các Phòng của Vụ TCCB đã tập trung phát biểu ý kiến làm rõ hơn về các nhiệm vụ của Vụ, những khó khăn, thuận lợi trên các mảng công tác, trong đó có công tác đào tạo bồi dưỡng; đánh giá cán bộ, công chức và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cán bộ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác cán bộ - là khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Chất lượng hoạt động tổ chức cán bộ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác của toàn Ngành. Với nhiệm vụ được phân công, Vụ TCCB cần tăng cường tham mưu Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN thực hiện việc xây dựng bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu lực, hiệu quả trong tình hình mới. Cần rà soát chế độ đãi ngộ đảm bảo phù hợp nhằm khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yêu Ngành, yêu nghề và hăng say làm việc, cống hiến.
Đánh giá cao sự đóng góp của Vụ TCCB cho sự phát triển chung của Ngành trong thời gian qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đề nghị Vụ TCCB rà soát, nghiên cứu cập nhật các Quy chế về công tác cán bộ đảm bảo phù hợp thực tiễn; nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá cán bộ. Công tác bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng phải được thực hiện đúng trình tự và công khai minh bạch. Đánh giá đúng người, đúng việc để thực hiện tốt nhất công tác tổ chức bộ máy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần chủ động trên cơ sở có sự kết nối giữa mục đích, yêu cầu và đáp ứng được nhu cầu người học phù hợp với công việc, nhiệm vụ được giao đảm bảo thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên.../.
Phương Ngọc