Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

08/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 08/8/2022, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Y tế, Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Y tế.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận

Tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn thường trực; Các Phó Trưởng Đoàn giám sát: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các thành viên và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.
 
Về phía cơ quan báo cáo có Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và đại diện Lãnh đạo Bộ Y tế; Đại diện Lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Đại diện Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham dự buổi làm việc
 
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá: Kết quả THTK, CLP thời gian qua; nhiệm vụ của Bộ Y tế trong việc tham mưu cho Chính phủ, qua đó đề xuất cách làm hay, hiệu quả tiết kiệm các nguồn lực của đất nước; đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vương mắc, nguyên nhân và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, nhất là người đứng đầu. Qua giám sát phát hiện vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật, hoàn thiện chính sách pháp luật về THTK, CLP, pháp luật liên quan, đặc biệt là pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm, có thể kiến nghị đình chỉ, kiến nghị xử lý theo quy định.
 
Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong công tác chỉ đạo, điều hành Bộ Y tế đã xây dựng một số văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức để thực hiện xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN), các chỉ tiêu và tiêu chí để đánh giá công tác THTK, CLP được thể hiện trong Chương trình của Bộ Y tế.
 
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại buổi làm việc
 
Các đơn vị thuộc Bộ Y tế đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Thủ tưởng trong công tác THTK, CLP, phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nhân lực trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao và trong sử dụng NSNN; tăng cường ý thức trách nhiệm về THTK, CLP của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và trong cuộc sống hàng ngày.
 
Về THTK, CLP trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan, tổ chức, đến năm 2021 Bộ Y tế đã giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 100% đơn vị hành chính thuộc Bộ; giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 100% đơn vị.
 
Đối với công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính khoảng 570 tỷ đồng. Ngành Y tế cũng sắp xếp, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc từ 82 còn 80 đơn vị…
 
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong THTK, CLP của Bộ như: Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa ý thức được việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan, chưa đưa vào Nghị quyết của cơ quan, của tổ chức Đảng tại cơ quan; việc THTK, CLP chưa gắn với việc kiểm tra, giám sát, việc triển khai tại các cơ quan chưa đồng bộ. Việc xây dựng các tiêu chí tiết kiệm còn khó khăn; chưa xây dựng được một bộ tiêu chí tiết kiệm cụ thể và đầy đủ. Việc thực hiện các chế độ báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa được các đơn vị chấp hành đúng quy định; chưa được Thủ trưởng các đơn vị quan tâm…
 
Trình bày báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai – Tổ trưởng tổ công tác làm việc với Bộ Y tế cho rằng, Báo cáo của Bộ Y tế gửi Đoàn giám sát còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo yêu cầu; nhiều nội dung, thông tin, số liệu chưa báo cáo đầy đủ; Báo cáo còn mang tính chất liệt kê, chưa làm nổi bật kết quả THTK, CLP; một số nội dung còn chưa được đánh giá sâu…
 
Về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP vẫn chưa bảo đảm về thời hạn ban hành. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu, tiêu chí tiết kiệm còn chưa cụ thể, dẫn tới việc đánh giá công tác THTK, CLP chưa được toàn diện, đầy đủ. Ngoài ra, tình trạng rút dự án Luật ra khỏi chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, hay chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết cũng phần nào ảnh hưởng tới kết quả của việc triển khai THTK, CLP; phần nào gây ra sự lãng phí nguồn lực Nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện.
 
Việc giải ngân vốn đầu tư hàng năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn cung còn thấp, gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với nguồn vốn nước ngoài ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư cho bệnh viện tuyến cuối. Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
 
Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, test kit COVID-19, nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công, chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu. Một số cán bộ chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm thực hiện các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
 
Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với bệnh viện công lập còn nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 càng thách thức khả năng tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh bởi số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm đáng kể do thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội… làm giảm mạnh nguồn thu của các bệnh viện…
 
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Bộ Y tế làm rõ các vấn đề bất cập trong công tác THTK, CLP trong lĩnh vực Bộ Y tế quản lý như: Chậm ban hành chương trình THTK, CLP tổng thể của Ngành, các mục tiêu cụ thể cũng như việc đánh giá thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu; nguyên nhân trong giai đoạn 2016-2021, Bô Y tế chưa triển khai cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề nào về THTK, CLP; làm rõ việc tiếp tục triển khai Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng bệnh viện vệ tinh thời gian qua; hoạt động khám chữa bệnh dịch vụ tại bệnh viện công nhằm chống lãng phí đầu tư công, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế; việc sử dụng vốn ODA tại một số dự án thuộc Bộ Y tế; công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm …
 
Phát biểu giải trình, tiếp thu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát đề cương, bổ sung số liệu, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị cụ thể vướng mắc về cơ chế, chính sách.
 
Giải trình về giải ngân vốn đầu tư công, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước. Hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng các bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế, về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình thêm một số nội dung liên quan đến: Công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị ngành y tế; việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế công lập…
 
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Đoàn giám sát, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực hy sinh của ngành y trong tuyến đầu chống dịch COVID-19, cùng với các lực lượng khác phòng chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Đoàn giám sát cũng chia sẻ với Bộ Y tế về một số chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế và hệ thống pháp luật liên quan, trong pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn vướng mắc, bất cập, khó xử lý, khó đánh giá.
 
Tuy nhiên, Trưởng Đoàn giám sát cũng cho rằng, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của Nhân dân, trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.
 
Sau buổi này giám sát này, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Từ góc nhìn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá kết quả những việc đã làm được. Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ, được thực tiễn chứng minh là đúng, đề nghị khắc phục mà không cần đợi đến khi có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, cần thống kê, báo cáo với Đoàn giám sát…
 
Đối với đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về THTK, CLP và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Y tế cần nêu cụ thể cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nào. “Sau cuộc giám sát này, trong năm 2023 sẽ có cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội về năng lực phòng chống COVID-19 và hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đối với Bộ Y tế” - Trưởng Đoàn giám sát cho biết./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »