Kiểm toán các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

06/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 6/9/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Tổ chức kiểm toán các quỹ tài chính ngoài ngân sách do KTNN thực hiện” do TS. Nguyễn Tuấn Trung và Ths. Nông Thị Lịch làm chủ nhiệm. TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

TS. Lê Đình Thăng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu kết luận

Báo cáo tóm tắt về Đề tài, Ban Đề tài cho biết: Cơ sở để hình thành các Quỹ tài chính ngoài ngân sách (QTCNNS) ở nước ta là việc tạo dựng nguồn lực tài chính độc lập tương đối, hoặc độc lập hoàn toàn với ngân sách Nhà nước (NSNN) để thực hiện các nhiệm vụ chi mà NSNN không kịp thời hoặc không có khả năng đảm bảo nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Chức năng, nhiệm vụ của các QTCNNS được thành lập nhằm giải quyết các yêu cầu khác nhau trong từng thời kỳ, đan xen trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm quản lý Nhà nước: Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp), ổn định thị trường bình ổn giá xăng dầu; hỗ trợ phát triển kinh tế: Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ Đầu tư phát triển; phát triển cơ sở hạ tầng: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bảo trì đường bộ; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế: Quỹ vì người nghèo, Quỹ Phòng chống HIV/AIDS hoặc các nhiệm vụ khác như bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường,… 

Mục tiêu hoạt động của các QTCNNS không vì lợi nhuận, tập trung chủ yếu vào các đối tượng yếu thế trong xã hội hoặc các mục tiêu mang tính kỳ vọng trong tương lai. Việc thành lập các QTCNNS đã góp phần thu hút được các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước, giảm bớt sự phục thuộc vào NSNN qua từng giai đoạn. Bên cạnh nguồn vốn được cấp từ NSNN, Nhà nước còn tạo cơ chế cho các Quỹ được thu từ các khoản đóng góp từ thu nhập của người lao động, doanh thu hoạt động của các tổ chức, nguồn ủy thác của các tổ chức tín dụng, các loại phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên và ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân khác. “Nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc ban hành chính sách và quản lý các QTCNNS, tránh thất thoát Quỹ, cần thiết phải tổ chức kiểm toán các QTCNNS một cách khoa học, hiệu quả nhằm đánh giá một cách toàn diện và cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị phù hợp. Vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán các Quỹ tài chính ngoài ngân sách do Kiểm toán nhà nước thực hiện” là cần thiết và cấp bách hiện nay”- TS. Nguyễn Tuấn Trung chủ nhiệm Đề tài khẳng định.

 

TS. Nguyễn Tuấn Trung báo cáo tóm tắt về Đề tài

Nói về sự cần thiết và căn cứ kiểm toán các Quỹ TCNNS, TS. Nguyễn Tuấn Trung nêu: Trong giai đoạn 2015-2020, KTNN đã thực hiện kiểm toán 19 Quỹ TCNNS trong đó có 15 Quỹ do Trung ương quản lý và 4 Quỹ do địa phương quản lý. Thực tế cho thấy, hoạt động và kết quả kiểm toán QTCNNS của KTNN đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công của các Quỹ.Thông qua hoạt động kiểm toán sẽ góp phần đánh giá, xác định thực trạng tài chính của đơn vị; đồng thời cũng xác định các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thông qua đó kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13 ngày 24/6/2015 thì đối tượng của KTNN là “việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Như vậy, đối chiếu với khái niệm về QuỹTCNNS đã được quy định tại Luật NSNN năm 2015 và các văn bản có liên quan cho thấy các Quỹ đều được NSNN cấp vốn ban đầu hoặc bổ sung hàng năm; nguồn thu và nhiệm vụ chi độc lập với NSNN và đều được quản lý qua NSNN; tùy theo quy mô, tính chất hoạt động, báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của một số QTCNNS phải được kiểm toán theo quy định. 

Tại Điều 9 của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có quy định: “KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Do đó, liên hệ trực tiếp với việc kiểm toán tại các QTCNNS thì KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tạicác Quỹ tài chính ngoài NSNN.

Do đó, có thể thấy việc thực hiện kiểm toán của KTNN đối với các Quỹ TCNNS là một điều tất yếu, khách quan. Thông qua hoạt động kiểm toán sẽ góp phần đánh giá, xác định thực trạng tài chính của đơn vị; đồng thời cũng xác định các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực Nhà nước.

Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Những vấn đề chung về Quỹ tài chính ngoài ngân sách và tổ chức kiểm toán các Quỹ tài chính ngoài ngân sách; Thực trạng tổ chức kiểm toán các Quỹ tài chính ngoài ngân sách; Hoàn thiện tổ chức kiểm toán các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.

 

TS. Hoàng Văn Lương, thành viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu tại buổi nghiệm thu

Nhận xét về Đề tài, các ý kiến thống nhất và đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện Đề tài đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Đề tài có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở giúp nâng cao hiệu quả kiểm toán các QTCNNS do KTNN thực hiện, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ kiểm toán năm 2023 của KTNN thông qua kiểm toán các Quỹ TCNNS tại địa phương.

Để đề tài được hoàn thiện hơn, một số ý kiến cho rằng, Ban Đề tài cần nghiên cứu bổ sung đặc điểm là các quỹ trên được hoạt động tuân theo điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ/Qui chế tổ chức, hoạt động của Quỹ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó bổ sung nghiên cứu nội dung kiểm toán và hạn chế bất cập được phát hiện qua kiểm toán (nếu có) đối với vấn đề trên; Làm rõ khái niệm, đặc điểm để phân biệt QTCNNS và Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; bổ sung giải pháp ứng dụng công nghệ chuyển đổi số quốc gia để ứng dụng vào khảo sát lập KHKT, thực hiện và lập BCKT. Đồng thời hoàn thiện nội dung về sự cần thiết phải tổ chức kiểm toán các quỹ; bổ sung thực trạng kiểm toán các Quỹ TCNNS của KTNN; hoàn thiện cách thức tổ chức kiểm toán Quỹ TCNNS theo hướng tổ chức thành cuộc kiểm toán chuyên đề, tăng cường trách nhiệm của KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực trong kiểm toán tổng hợp các quỹ hằng năm; hoàn thiện các điều kiện tổ chức thực hiện kiểm toán các quỹ này…

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Phương Ngọc

Xem thêm »