Tham dự Hội nghị, về phía KTNN Lào có: Phó Chủ tịch KTNN Lào Toy Phonthilath; Lãnh đạo của KTNN khu vực Bắc Lào, Trung Lào, Nam Lào; Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Vụ kiểm toán khu vực công, Vụ đánh giá chất lượng, Vụ kiểm toán dự án và Học viện đào tạo kiểm toán.
Về phía KTNN Việt Nam có Lãnh đạo các đơn vị tham mưu, đơn vị sự nghiệp của KTNN: Văn phòng KTNN, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế, Thanh tra KTNN, Vụ Tổng hợp, Trung tâm tin học, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai Cơ quan, là diễn đàn để các đồng nghiệp Việt Nam và Lào trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. “Hội nghị lần này đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Lào đang tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm: Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022, 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào” - Phó Tổng kiểm toán nhà nước Việt Nam phát biểu.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Việt Nam Hà Thị Mỹ Dung khai mạc Hội nghị
Để Hội nghị diễn ra thành công, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Việt Nam đề nghị sau phần trình bày của các đại biểu phía KTNN Việt Nam, các đại biểu hai Cơ quan thảo luận chi tiết, chuyên sâu để làm rõ các nội dung trao đổi tại Hội nghị cũng như các vấn đề liên quan, qua đó, giúp đại biểu hiểu rõ hơn về công tác tăng cường năng lực cho công chức, Kiểm toán viên và đảm bảo chất lượng kiểm toán ở mỗi nước, từ đó có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau nhằm tổ chức các hoạt động kiểm toán tốt hơn.
Tại Hội nghị, trao đổi về nội dung đảm bảo chất lượng kiểm toán (CLKT), Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận đã chia sẻ các thông tin liên quan đến: Quy định, hướng dẫn và các chỉ số để theo dõi và đánh giá CLKT; Các yếu tố giúp cải thiện công tác đảm bảo chất lượng kiểm toán; Mẫu Báo cáo kiểm toán của KTNN; Lựa chọn/sàng lọc bằng chứng nhận được nhằm giảm bớt số lượng bằng chứng kiểm toán; Cải thiện công tác đảm bảo CLKT.
Liên quan đến quy định liên quan đến kiểm soát CLKT, Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán đã trình bày cụ thể các quy định tại: Luật KTNN; Hệ thống chuẩn mực kiểm toán; Quy chế kiểm soát CLKT của KTNN; Quy trình kiểm toán của KTNN; Mẫu biểu hồ sơ kiểm toán; Các hướng dẫn kiểm toán các lĩnh vực; Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán… do KTNN Việt Nam ban hành là cơ sở để theo dõi và đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán.
Theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN rất chú trọng tới tập trung đánh giá việc xây dựng, vận hành của hệ thống kiểm soát CLKT và công tác phát hành các báo cáo kiểm toán (BCKT). Việc đánh giá tập trung vào: Xây dựng các chính sách và thủ tục kiểm soát CLKT, xác định nguồn lực thực hiện kiểm soát CLKT, tổ chức thực hiện các chuẩn mực, quy chế, quy định về kiểm soát CLKT đối với các cuộc kiểm toán và trong các hoạt động khác có liên quan...; phát hành các BCKT đúng thời hạn; đảm bảo cuộc kiểm toán được thực hiện tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán của KTNN; bằng chứng kiểm toán được thu thập đầy đủ, thích hợp làm cơ sở cho BCKT...
Để cải thiện công tác đảm bảo CLKT, KTNN Việt Nam đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác kiểm soát CLKT trong tất cả các khâu: Chuẩn bị, việc thực hiện kiểm toán, lập BCKT, lưu trữ bằng chứng, hồ sơ kiểm toán. Trong hoạt động kiểm toán, các Đoàn kiểm toán được cung cấp đầy đủ các nguồn tài chính cần thiết và trang thiết bị công cụ cần thiết để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình xét duyệt KHKT tổng quát, Lãnh đạo KTNN luôn quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp nhân sự các Đoàn kiểm toán đảm bảo hoàn thành các mục tiêu và đảm bảo chất lượng của cuộc kiểm toán. KTNN đã Tổ chức các Lớp đào tạo, tập huấn, tọa đàm, hội thảo về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nói chung và hoạt động đảm bảo chất lượng kiểm toán; đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động kiểm toán và kiểm soát CLKT.
Hội nghị đã nghe Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Kiểm toán nhà nước Việt Nam Trần Đức Lâm trình bày về vấn đề “Tăng cường năng lực cho công chức, Kiểm toán viên KTNN Việt Nam”.
Theo đó, chương trình giảng dạy nhằm tăng cường năng lực cho công chức và Kiểm toán viên (KTV) của KTNN Việt Nam là hệ thống Chương trình, tài liệu bồi dưỡng gồm 31 Chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng chia thành 03 nhóm: Chương trình, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; Chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý của KTNN; Chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn của KTNN.
Để tăng cường và hoàn thiện năng lực cho công chức và KTV, KTNN đã xây dựng và xây dựng chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về đào tạo, bồi dưỡng; Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng (ĐTBD) của KTNN giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch ĐTBD hàng năm; Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình ĐTBD; Đổi mới phương thức ĐTBD và tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên; Hoàn thiện cơ chế chính sách...
Bên cạnh đó, KTNN Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Sắp xếp, bố trí, sử dụng công chức, viên chức căn cứ vào Đề án vị trí việc làm; nâng cao trách nhiệm của KTV; Định kỳ tổ chức kiểm tra, sát hạch, đánh giá đội ngũ công chức, viên chức; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn lý luận với thực tiễn; Tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Các thành viên tham dự Hội nghị đã trao đổi, làm rõ hơn những nội dung được trình bày. Lãnh đạo một số đơn vị tham mưu, đơn vị sự nghiệp của KTNN Việt Nam đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tế, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác kiểm soát CLKT được KTNN Lào quan tâm như: Những điểm cần lưu ý khi xây dựng hệ thống mẫu biểu của KTNN Việt Nam; Hoạt động thanh tra, kiểm soát CLKT; Những lưu ý khi tiến hành kiểm soát đột xuất. Các nội dung liên quan đến tăng cường năng lực như: Chương trình, kế hoạch đào tạo với KTV mới vào ngành; Chính sách thu hút nhân tài; Tạo và phân bổ ngân sách cho hoạt động đào tạo; Kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình đào tạo...
Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của KTNN Việt Nam đối với KTNN Lào trong thời gian qua; cũng như những chia sẻ nhiệt tình, hữu ích của KTNN Việt Nam. Chủ tịch KTNN Lào cho rằng, tăng cường năng lực cán bộ và đảm bảo chất lượng kiểm toán là những nội dung rất cần thiết, được KTNN Lào rất quan tâm và đây cũng là các nội dung mà KTNN Việt Nam rất có nhiều kinh nghiệm.
Chủ tịch KTNN Lào cũng mong muốn, trong thời gian tới, hoạt động hợp tác giữa hai Bên sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả và đi vào chiều sâu hơn nữa, đặc biệt là các hoạt động hợp tác về chuyên môn không chỉ thông qua các cuộc gặp cấp cao, mà còn trở thành hoạt động thường xuyên giữa các đơn vị chuyên môn của KTNN Việt Nam và Lào. Hai Bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để có thể tiến hành các cuộc kiểm toán chung. /.
Ngọc Bích