UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

11/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 11/10/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm (NSTW) 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa NSTW và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phiên họp có sự tham dự của: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa...
 
Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết do thời gian thảo luận chỉ có một buổi sáng, nội dung nhiều, các Ủy viên UBTVQH và thành viên Chính phủ đã tiếp cận các nội dung chính của báo cáo khi họp Trung ương. Do vậy, phiên họp sẽ không trình bày lại các Báo cáo của Chính phủ mà chỉ trình bày các Báo cáo thẩm tra.
 
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành...
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo của Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp; tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm; xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; việc triển khai quy hoạch, nhất là công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 còn chậm; việc đấu thầu mua sắm tài sản công gây thiệt hại nguồn vốn NSNN; kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận Thanh tra, Kiểm toán nhà nước; những chuyển biến trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy...
 
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm: Kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công, phối hợp linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô phù hợp và được chủ động điều chỉnh để phù hợp với tốc độ phục hồi nền kinh tế; bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quản lý chặt chẽ bội chi NSNN, kiểm soát nợ công.
 
Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Sớm ban hành quy hoạch điện VIII để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn.
 
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, khái quát của các báo cáo của Chính phủ, trong đó đã nêu rõ những thành tựu cũng như khó khăn, tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian qua; Thống nhất với các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
 
Tại phiên họp, UBTVQH tập trung cho ý kiến về: Kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022; việc từng bước mở cửa phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội; triển khai và tác động của chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các quyết sách của Quốc hội; điều hành của Chính phủ, việc thực hiện 15 chỉ tiêu Quốc hội giao đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh, tài chính, năng lượng, lương thực, kiểm soát lạm phát, triển nông nghiệp, công nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực lao động việc làm; thực hiện các chính sách văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; đấu tranh chống phòng tội phạm, đảm bảo an ninh quốc phòng; Nhiệm vụ giải pháp cuối năm và để hoàn thành tốt nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
 
UBTVQH cũng đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch; tính toàn diện, đầy đủ, bao quát của các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu; các vấn đề Ủy ban Kinh tế lưu ý trong báo cáo thẩm tra như việc tiếp tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; chỉ tiêu bác sĩ, giường bệnh/số dân; chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội; triển khai các chính sách an sinh xã hội…
 
Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn chỉnh, rà soát lại số liệu và tiếp thu các ý kiến sâu sắc của UBTVQH để hoàn thiện, báo cáo Quốc hội.
 
Về nhận định về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu và nhấn mạnh thêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, đồng hành với nhiều quyết sách, giải pháp kịp thời của Quốc hội, tháo gỡ nhiều khó khăn cũng như sự đồng lòng của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của quốc tế…
 
Đề cập về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năm 2022 là năm đầu thực hiện kế hoạch và còn nhiều thủ tục chưa xong, bên cạnh đó giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao cũng là áp lực khiến giải ngân đầu tư công thấp hơn… Tuy nhiên, Chính phủ rất quyết liệt với nhiều biện pháp, Quốc hội cũng tháo gỡ nhiều vấn đề, nhất là vừa qua Quốc hội đã ban hành một luật sửa 9 Luật, có các cơ chế đặc thù, các thủ tục cơ bản đã hoàn thành và chuẩn bị khởi công các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 tình hình giải ngân sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn với sự ủng hộ của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…
 
Nhận định về năm 2023 còn nhiều khó khăn tình hình quốc tế và trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không thể chủ quan lơ là, phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tận dụng các dư địa còn lại để nhanh chóng phục hồi và phát triển, trong các giải pháp phải tập trung cả vấn đề ngắn hạn lồng ghép với vấn đề dài hạn.
 
Tiếp thu giải trình tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, UBTVQH đã có sự hỗ trợ, hợp tác và đặc biệt là sự phối hợp rất tốt với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề chung, trong đó có các vấn đề về kinh tế xã hội và NSNN. Thời điểm hiện nay có nhiều phát sinh, do đó báo cáo việc thực hiện tình hình kinh tế xã hội năm 2022, định hướng kế hoạch năm 2023 còn chậm. Bên cạnh đó, các báo cáo phải trình Quốc hội cũng nhiều hơn như việc thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống dịch… là những vấn đề phát sinh mới nên có ảnh hưởng đến công việc chung.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng cho biết, các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này có chất lượng tốt hơn; nội dung rõ hơn; những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong điều hành thực hiện kinh tế xã hội thẳng thắn hơn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ làm rõ và phân tích sâu hơn, đặc biệt là trong việc chỉ đạo điều hành thời gian tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo đề nghị của UBTVQH.
 
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; ghi nhận năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Theo đó, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% dự kiến cả năm khoảng 8% đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; 14/15 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch; phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ước cả năm; thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán…
 
Đồng thời, đề nghị các báo cáo cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, trong đó đề cập tới: Vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
 
Báo cáo cần bổ sung, làm rõ một số nội dung về ổn định hệ thống ngân hàng thương mại; giải pháp tháo gỡ và vai trò của Quốc hội, UBTVQH, đại biểu Quốc hội trong ban hành các quyết sách để phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Trong năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó.
 
UBTVQH cũng cơ bản nhất trí với phương án xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025, đề nghị Chính phủ cần bám sát để đảm bảo tính thực tế, khả thi và đề nghị điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực; tăng tỷ lệ thu nội địa để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc thực hiện dự toán thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước…/.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »