Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045

13/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 6/10/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thướng hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống và vật chất tinh thần của người dân được cải thiện; hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Về một số chỉ tiêu đến năm 2030, Nghị quyết nêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm từ trợ cấp khoảng 5,6%; tỉ trọng kinh tế số khoảng 25-30% GRDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 37,2 – 40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.

Cùng với đó, tốc độ năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0-1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỉ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%, tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%; đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

Đến năm 2030, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%; tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỉ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỉ lệ  khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; đạt 95% tỉ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.

Theo Nghị quyết, tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát trển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao; điểm đến dấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng an, ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị được trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

Để đạt thực hiện tốt các mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng: Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trong đó, tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của BCHTW Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo; bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ; phát huy cao độ truyền thống văn hoá cách mạng, sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xác định buôn làng là một bộ phận rất quan trọng và là địa bàn chủ yếu ở cấp cơ sở ở Tây Nguyên.

Nghị quyết giao các cấp uỷ, tố chức đảng, Mặt trận Tố quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là các địa phương vùng Tây Nguyên nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của xã hội, sự tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo: Ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết; xây dựng Quy hoạch phát triển vùng, địa phương; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triến vùng, tiếu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triến vùng Tây Nguyên.

Các ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương theo trách nhiệm của mình thường xuyên quan tâm, phối họp với các địa phương vùng Tây Nguyên để thực hiện Nghị quyết.

Giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.

Thanh Trang
 
 
 
 

Xem thêm »