Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì Hội nghị
Trình bày Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thứ trưởng Trần Quốc Phương Bộ KH&ĐT cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, cơ quan Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành 68/73 văn bản quản lý điều hành, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên cả nước; tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ bản hoàn thành 93% số nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG trên cả nước; 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn để thực hiện Chương trình; 14/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn; 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, một số địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, kiện toàn, thành lập Ban quản lý cấp xã.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 Chương trình MTQG gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa phân bổ, giao kế hoạch là hơn 99.898 tỷ đồng, gồm gần 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 92.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển gần 8.000 tỷ đồng, Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ KH-ĐT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương. Đối với số vốn sự nghiệp gần 92.000 tỷ đồng, Bộ KH&ĐT đã nhận được đầy đủ văn bản của các bên liên quan và đang hoàn thiện phương án phân bổ để trình cấp có thẩm quyền.
Đến nay, 52/52 địa phương đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các Chương trình MTQG đã giải ngân hơn 178 tỷ đồng, đạt khoảng 0,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Uớc đến ngày 30/9/2022, các địa phương sẽ giải ngân được khoảng hơn 926 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch.
Hiện nay cả nước có trên 5.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 71,2%, tăng 12 xã so với tháng 8 năm 2022. Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: duy trì mức giảm 1- 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4- 5%/năm.
Về các vấn đề bất cập, báo cáo Bộ KH&ĐT cho rằng, tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG còn chậm; việc giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm dẫn đến việc các địa phương chậm triển khai và giải ngân nguồn vốn và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023; tỷ lệ giải ngân các Chương trình MTQG còn thấp và không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước dù cùng mặt bằng thể chế; tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình theo thẩm quyền của các Bộ, cơ quan Trung ương còn chậm so với tiến độ được giao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành; đến ngày 30/9/2022, có 37/52 địa phương vẫn đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố đã phát biểu, phân tích nguyên nhân việc giải ngân vốn chậm, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiểu dự án của 3 Chương trình MTQG; đồng thời đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết, 4 văn bản, 3 hội nghị trực tuyến. “Điều này thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ về công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải ngân các Chương trình MTGQ nói riêng” – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu kết luận
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2022 cả nước vẫn chưa đạt được tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, thấp hơn năm 2021. Vì vậy yêu cầu đặt ra là cần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu những tháng cuối năm các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý còn thiếu để các địa phương làm căn cứ thực hiện, việc triển khai cần chủ động, tránh manh mún. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 -2025 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vì vậy các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hiệu quả 3 Chương trình MTQG, đảm bảo mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư của năm 2022.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu đề xuất của các địa phương về việc việc việc lồng ghép 3 Chương trình MTQG để tối ưu hóa hiệu quả thực hiện các Chương trình này; đồng thời yêu cầu các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công và giải ngân các chương trình MTQG; bắt tay triển khai ngay các dự án đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ cơ sở pháp lý. Khi lựa chọn dự án, các địa phương phải bảo đảm tập trung, tránh dàn trải, manh mún, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các Chương trình MTQG./.
Ngọc Bích