Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ về kinh tế-xã hội

23/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2023; Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô

Thảo luận tại các Tổ, các đại biểu cho rằng, mặc dù năm 2022 nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó rất nhiều khó khăn không dự báo trước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều phức tạp, các kết quả đạt được rất đáng phấn khởi, thể hiện rõ đà phục hồi và phát triển kinh tế. Để có được kết quả đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành; sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và đặc biệt là nỗ lực của đội ngũ doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn có nhiều khó khăn, vì vậy phải nỗ lực hơn nữa để có thể thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2022, dự kiến nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8% (kế hoạch đề ra là 6-6,5%); nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt. Có thể nói, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, sự tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động, do đó nếu có biến động ở hai yếu tố này thì nền kinh tế sẽ không đảm bảo tính ổn định.

Thảo luận tại Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Điều đáng mừng là trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2022, đặc biệt là tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19, đã có những lúc các tổ chức thế giới đánh giá khả năng hồi phục kinh tế của nước ta đứng ở cuối cùng của thế giới nhưng đến thời điểm này lại đánh giá Việt Nam phục hồi đứng thứ nhất, thứ hai và đang đi ngược lại với thế giới. “Trong khi thế giới lạm phát thì Việt Nam ổn định, trong khi thế giới suy giảm thì Việt Nam tăng trưởng, trong 2 quý gần đây thì tăng trưởng cao nhất từ 2011, với 14/15 chỉ tiêu đạt kế hoạch và vượt. Trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 8,83%, nếu 3 tháng cuối năm 2022 đạt 5,9% thì đạt 8%, vượt 5,9% thì vượt 8%, tức là vượt kế hoạch đề ra.”- Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Trong bối cảnh năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thế giới dự báo có thể rơi vào khủng hoảng khi vừa suy giảm tăng trưởng và vừa lạm phát, với nước ta thì sẽ bị tác động sâu rộng, bởi nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mục tiêu quan trọng là phải bảo đảm thế kiềng 3 chân: Bảo đảm kinh tế vĩ mô để làm cơ sở bảo đảm kinh tế - xã hội; Thúc đẩy sản xuất để tăng trưởng; Bảo đảm an sinh xã hội trên nền tảng ổn định chính trị. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại tổ

Thảo luận tại Tổ 7 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp. Đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực: Kiểm soát tốt dịch bệnh; quyết định mở cửa đúng thời điểm vào tháng 3/2022; Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách cải cách để thu hút đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô đã có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu ra một số lưu ý cần quan tâm trong thời gian tới như: Cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; đảm bảo chính sách an sinh xã hội; tháo gỡ những điểm nghẽn, đặc biệt là giải ngân đầu tư công; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng…

Về những giải pháp trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, phải tập trung cho 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: Về thể chế để hoàn thiện thật nhanh, đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho cho doanh nghiệp; Đột phá về hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng số để có thể phát triển một cách đồng bộ; Tăng cường việc đào tạo nhân lực, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm

Liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, nhằm đáp ứng mục tiêu mà Quốc hội đề ra khi ban hành các Nghị quyết. Một số ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện một số dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương; đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn NSNN còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025; sớm bố trí vốn cho năm 2023.

Các đại biểu phản ánh tại nhiều địa việc triển khai các chương trình ở những huyện nghèo còn khó khăn do địa hình phức tạp, năng lực thực thi còn hạn chế; nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài; thời tiết diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, nên khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.

Thảo luận tại Tổ 5 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Bình Thuận, Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với 3 Chương tình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ tính toán lại cơ chế điều phối, cách kết hợp, lồng ghép linh hoạt để đảm bảo các Chương trình sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả. Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho các Chương trình khiến cho các địa phương lúng túng, đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân, người nghèo, người yếu thế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng đây là Chương trình có đối tượng rộng, đã qua 2 năm triển khai nhưng tốc độ giải ngân rất chậm, hiện mới giải ngân được khoảng 2,86%, do đó đặt ra trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong năm 2023 để có sự chuyển biến rõ nét.

Đại biểu Nguyễn Thành Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cũng bày tỏ tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch và đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương, giữa các nhiệm vụ, các dự án trong nội bộ ngành, địa phương; trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 sang năm 2023 nhưng phải có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nhằm đạt được các mục tiêu chương trình.

Quan tâm tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đánh giá nguyên nhân giải ngân nguồn vốn này chậm do yếu tố chủ quan, công tác lập kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công chưa cao; công tác chuẩn bị ở không ít dự án còn kém chất lượng; sự phối hợp giữa Bộ, ngành với địa phương để triển khai thực hiện. Đặc biệt, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận trách nhiệm và hoạt động của người đứng đầu chưa phát huy hiệu quả. Năm 2022, việc giao vốn rất chậm, có 12 văn bản Bộ, ngành, Trung ương chưa hướng dẫn triển khai thực hiện để địa phương tổ chức triển khai. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện trong năm 2023.

Cần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 sâu sắc, toàn diện hơn

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, cho ý kiến về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng, việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. Báo cáo tổng kết của Chính phủ đã nêu cụ thể về việc thực hiện từng chính sách được quy định trong Nghị quyết số 54. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan việc tổng kết Nghị quyết, nội dung tổng kết cần sâu sắc, toàn diện hơn về đánh giá cơ chế, chính sách, về đánh giá việc tổ chức thực hiện; làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 01 năm.…
 
Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh chủ trì nội dung thảo luận tổ

Về đề nghị được tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 54, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết. Chính phủ cần đưa ra được những đề xuất chính sách để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm; cân nhắc về thời gian kéo dài đảm bảo hợp lý; Báo cáo cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện…

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ hơn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54 như: Một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách chậm triển khai; việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; về huy động từ nguồn vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho Thành phố vay lại…

Liên quan đến việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54, đại biểu Phan Văn Mãi - Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị gia hạn 1 năm để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới. "Dự thảo Nghị quyết mới phải toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn, với tinh thần phân cấp phân quyền, giải quyết các vướng mắc mà thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải mà luật chưa quy định, hoặc đã quy định nhưng chưa rõ ràng, chồng chéo" - đại biểu Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Đoàn ĐBQH Hải Dương cho rằng yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến việc thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xin kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cơ chế này. Tuy nhiên, cần đánh giá rõ những kết quả đạt được và phân tích những tồn tại hạn chế để từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »