(sav.gov.vn) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XV, sáng 02/11/2022, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành
Cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu khẳng định, luật Giao dịch điện tử 2005 được đánh giá có tầm nhìn xa, dự báo được xu hướng phát triển của xã hội. Tuy vậy trước những yêu cầu phát triển của thời đại số, Luật cũng đã cho thấy một số hạn chế cần phải sửa đổi, như: Phạm vi điều chỉnh được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay; Còn thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...
Một số ý kiến cho rằng, các quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã có, tuy nhiên cần phải bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan Nhà nước được ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử.
Trên cơ sở phân tích một số tồn tại, hạn chế của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Tại các phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc về lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi đối với một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp cần lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử như: Tư pháp, đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch… Các giấy tờ như: Giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung các quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử như: Thời điểm hiệu lực, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu, cách thức xử lý trong trường hợp phát sinh lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử để đảm bảo giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử.
Về chữ ký điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần phân biệt rạch ròi giữa “Chữ ký số dùng riêng, Chữ ký số công cộng, Chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ”. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thay tên Điều 26 “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ” để phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng hiện nay gồm cả cơ quan Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.
Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung Nhà nước có biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới…
Theo đại biểu, các dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều rất cần vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, từ việc an ninh, an toàn về thông tin của người tiêu dùng, cho đến bảo đảm an ninh, an toàn liên quan đến tài sản, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, giao dịch điện tử phản ánh sự phát triển của xã hội số, chuyển đổi số và kinh tế số. Giao dịch điện tử cũng có các mặt khác nhau và nếu kiểm soát được mặt trái thì có nhiều cơ hội phát triển. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải dành "dung lượng" nhiều hơn về vấn đề kiểm soát của Nhà nước trong Luật Giao dịch điện tử.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; về dịch vụ tin cậy; về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước./.
M. Thúy