Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT ngân sách

10/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhấn mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương là nội dung kiểm toán lớn, thường niên của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và được lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần tăng cường thực hiện kiểm toán; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán này.  

Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT ngân sách. Ảnh tư liệu

Những thách thức trong thực hiện kiểm toán
 
Theo đại diện Vụ Tổng hợp, từ khi Luật KTNN 2005 được Quốc hội thông qua và qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nội dung kiểm toán BCQT ngân sách ngày càng được KTNN chú trọng thực hiện. KTNN đã hoàn thành kiểm toán BCQT ngân sách cho các năm, chất lượng báo cáo kiểm toán ngày càng được nâng lên với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, có giá trị.
 
Đơn cử như qua tổng hợp báo cáo kiểm toán BCQT ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, KTNN phát hiện 19/45 địa phương được kiểm toán bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định. Đối với chi NSNN, còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng cơ bản trước năm 2015 nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán. Bên cạnh đó là tình trạng chi chuyển nguồn cao hơn năm trước và diễn ra tại nhiều địa phương... Trên cơ sở thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đã giúp các địa phương tăng thu và giảm chi ngân sách, đồng thời chấn chỉnh lại công tác quản lý, cũng như điều chỉnh chính sách, định mức cho phù hợp với thực tế, trên cơ sở bám sát quy định của Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đơn vị kiểm toán cho biết, hoạt động kiểm toán vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức khiến kết quả kiểm toán BCQT chưa đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và công chúng. Là đơn vị thực hiện tương đối thành công cuộc kiểm toán thí điểm BCQT ngân sách địa phương tại tỉnh Lai Châu năm 2021, lãnh đạo KTNN khu vực VII cho biết, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, song quá trình kiểm toán vẫn gặp phải những khó khăn, nhất là trong việc áp dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Lý do, đây là phương pháp kiểm toán mới và khó; trình độ, năng lực của kiểm toán viên chưa đồng đều. Chưa kể, theo quy định của Luật NSNN, thời hạn Ủy ban nhân dân tỉnh nộp BCQT ngân sách địa phương chậm nhất là ngày 01/10 hằng năm, trong khi đó, hầu hết các địa phương đều chậm nộp, gây khó khăn cho việc kiểm toán xác nhận BCQT khi chưa có báo cáo chính thức; một số đơn vị đưa ra lý do tránh né việc kiểm tra đối chiếu hoặc kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ, cung cấp tài liệu không đủ cho đoàn kiểm toán… 
 
Còn theo KTNN khu vực II, tại nhiều địa phương, do đơn vị phụ trách kiểm toán có địa bàn trải rộng; số lượng đơn vị sử dụng NSNN tại các cấp ngân sách của tỉnh rất nhiều, trong khi thời gian kiểm toán có hạn nên đoàn kiểm toán gặp khó khăn trong tổ chức chọn mẫu, đơn vị được kiểm toán. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc đưa ra đánh giá kiểm toán, kết quả kiểm toán. “Đối với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương có quy mô thu chi ngân sách lớn, địa bàn rộng, thời gian kiểm toán như hiện nay cũng gây khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện kiểm toán BCQT” - lãnh đạo đơn vị cho biết.
 
Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán
 
Trong bối cảnh những yêu cầu đặt ra cho hoạt động kiểm toán ngày càng nặng nề, áp lực đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao đòi hỏi KTNN cần không ngừng đổi mới, từ việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực này, đến cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán trên thực tế để nâng cao chất lượng kiểm toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quy định tại Điều 71 Luật NSNN: “Kiểm toán BCQT ngân sách địa phương trước khi gửi hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn” và quy định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 là phấn đấu kiểm toán BCQT hằng năm với tất cả địa phương.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận, mới đây, KTNN đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán BCQT ngân sách địa phương. “Việc xây dựng hướng dẫn riêng cho một số nội dung, lĩnh vực kiểm toán đặc biệt quan trọng luôn được KTNN chú trọng thực hiện, nhằm hỗ trợ quá trình kiểm toán, từ đó nâng cao chất lượng kiểm toán; cũng như đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán” - ông Luận cho biết, đồng thời khẳng định, Hướng dẫn được ban hành sẽ giải quyết nhiều vướng mắc lâu nay, giúp cho công tác kiểm toán BCQT được áp dụng thống nhất.  
 
Nêu bài học kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán BCQT thí điểm, lãnh đạo KTNN khu vực VII cho biết, sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu là yêu cầu đầu tiên để mang lại thành công của cuộc kiểm toán. Đơn vị kiểm toán cần tổ chức tốt việc thu thập thông tin, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán và định hướng quá trình tổ chức thực hiện. Tiếp đó, dựa trên đề cương được duyệt, đơn vị chủ trì kiểm toán cần tổ chức tập huấn cho kiểm toán viên tham gia kiểm toán để nắm rõ các yêu cầu, mục tiêu và lưu ý khi thực hiện kiểm toán; tập huấn cho kiểm toán viên về việc khai thác dữ liệu từ phần mềm Tabmis…
 
Các đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, trên cơ sở thông tin đã thu thập, đoàn kiểm toán cần đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp ở cấp độ báo cáo tài chính, BCQT và ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, khoản mục; vận dụng phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu để xác nhận về tính trung thực, hợp lý của BCQT trên các khía cạnh trọng yếu. Đặc biệt, với phạm vi kiểm toán rộng, phải xác nhận 3 cấp ngân sách, đoàn kiểm toán cần chú ý chọn mẫu để số lượng đảm bảo tính đại diện và phù hợp với quy mô, nhân lực của đoàn. Trước yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, kiểm toán viên cần đi sâu vào từng nội dung, chỉ rõ sai phạm, tồn tại, nguyên nhân; KTNN tiếp tục cải tiến cách thức trình bày báo cáo kiểm toán, đảm bảo các thông tin đưa ra được mạch lạc, có trọng tâm để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về các vấn đề có liên quan đến báo cáo…
 
Lưu ý vấn đề bằng chứng kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, Phó Trưởng phòng, Phòng Tổng hợp (KTNN khu vực V) Trần Quốc Bình cho rằng, kiểm toán viên cần bám sát Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro; linh hoạt sử dụng các phương pháp đặc thù để thu thập bằng chứng. Ngoài ra, kiểm toán viên cần rà soát lại kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, cũng như duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán. “Nếu có dấu hiệu cho thấy tài liệu có thể không xác thực hoặc đã bị sửa đổi thì kiểm toán viên phải tiến hành kiểm tra thêm bằng các thủ tục khác” - ông Bình cho biết, và lưu ý một số thủ tục có thể được áp dụng như: Sử dụng chuyên gia; kiểm tra, xác minh tài liệu đó từ các nguồn thông tin khác.../.
 
Box: Theo Vụ Tổng hợp, nội dung kiểm toán BCQT ngân sách ngày càng thiết thực, phong phú; mỗi nhận xét, đánh giá kiểm toán đều đảm bảo bằng chứng, có dẫn chứng, minh họa để Quốc hội tham khảo; cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho  hội đòng nhân dân làm căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương... Với vai trò quan trọng đó, KTNN chủ trương tăng số cuộc kiểm toán BCQT trong Kế hoạch kiểm toán năm 2023 và trung hạn 2023-2025.
 
NGUYỄN LỘC
(Báo Kiểm toán số 45/2022)

 

Xem thêm »