Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

12/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 11/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình).

Nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%

Theo đó, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo các ngành, các cấp đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đảm bảo phù hợp với năng lực để Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Nghị quyết đưa ra mục tiêu phấn đấu:

Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt 100%.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước được giao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. 

Trên cơ sở quán triệt, bám sát nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW, căn cứ những nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này và chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ; tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi Nghị quyết số 06-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ đến các tổ chức, cơ quan, nhân dân trong phạm vi cả nước. Các Bộ, ngành và địa phương định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện; đồng thời gửi báo cáo đến Bộ Xây dựng để theo dõi và tổng hợp.

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung, chủ động lồng ghép các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 06-NQ/TW và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Chương trình hành động này trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình có liên quan để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối phối hợp các Bộ, ngành và địa phương, tổng hợp đề xuất, xây dựng Chương trình Quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhu cầu cần trung ương hỗ trợ để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển đô thị đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương trong bố trí, vận động thu hút đa dạng hóa nguồn lực để thống nhất thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương điều phối, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 06-NQ/TW tại các tỉnh, thành phố; chủ trì hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình hành động, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền; đầu mối tổ chức nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/TW; định kỳ báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cần thiết đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị quốc gia theo từng giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng tổng mức và cân đối vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước; xây dựng định hướng thu hút và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi; hướng dẫn các cơ quan chủ quản xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên vận động ODA, vốn vay ưu đãi, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho thực hiện mục tiêu Chương trình hành động. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức định kỳ điều tra, thống kê quốc gia việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể được yêu cầu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW./.
 

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 06-NQ/TW) đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.

M. Thúy
 

Xem thêm »