(sav.gov.vn) - Nhân dịp tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của Liên hợp quốc (LHQ) về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), ngày 06/12/2022, tại trụ sở Văn phòng LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan. Tham dự cuộc họp có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn gặp làm việc với Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan tại trụ sở của Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: Tố Uyên, TTXVN tại Geneva)
Tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn đã trao đổi về tình hình quản lý nợ công, chính sách và kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, trong đó nhấn mạnh mặc dù bối cảnh tình hình dịch bệnh, thu ngân sách Nhà nước giảm trong khi các khoản chi cho ứng phó dịch bệnh, an sinh xã hội, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng lên, nhưng nợ công Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân được cải thiện.
Giới thiệu về vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam trong quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết Cơ quan KTNN Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công, đầu tư công, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng nền tài chính công trong sạch, vững mạnh. Hàng năm KTNN Việt Nam thực hiện khoảng 230 cuộc kiểm toán, phát hành khoảng 270 báo cáo kiểm toán, phục vụ cho giám sát tối cao của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và điều hành của Chính phủ và Ủy ban nhân dân. Ngoài việc phát hiện sớm, xử lý và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN Việt Nam cũng đề ra các giải pháp tổng thể bảo đảm bền vững của ngân sách trong tương lai. Qua kết quả kiểm toán, KTNN Việt Nam đã kiến nghị về điều chỉnh số liệu báo cáo nợ công nhằm phản ánh đúng thực tế vay nợ, các chỉ tiêu an toàn nợ công qua kiểm toán được công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nợ công; chỉ ra những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nợ công để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nợ công theo quy định của pháp luật; chỉ ra những điểm bất cập về chính sách, kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý, chính sách; phát triển hệ thống thông tin để phục vụ, theo dõi, giám sát và đánh giá, góp phần bảo đảm bền vững về nợ công.
Chia sẻ về định hướng phát triển và những lĩnh vực mới trong kiểm toán của KTNN Việt Nam, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết, Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030 xác định 03 trụ cột phát triển gồm khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin (CNTT), trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt công nghệ và các phương pháp kiểm toán hiện đại để nâng cao chất lượng kiểm toán. Hiện nay, KTNN Việt Nam đang đẩy mạnh, nâng cao chất lượng kiểm toán các lĩnh vực kiểm toán mới như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán mua sắm công...
Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam mong muốn Tổng Thư ký UNCTAD thúc đẩy hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với KTNN Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mới nêu trên; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước Việt Nam giao phó; thông qua Phái đoàn UNCTAD giúp KTNN Việt Nam kết nối với các đối tác có thế mạnh về các lĩnh vực này, mở ra các cơ hội hợp tác cho KTNN Việt Nam.
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn trao đổi với Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan (Ảnh: Tố Uyên, TTXVN tại Geneva)
Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan đánh giá cao việc Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn tham dự và phát biểu tại Hội nghị của UNCTAD lần thứ 13 về quản lý nợ, trong đó đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này, thể hiện tiếng nói của các nước đang phát triển, qua đó thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nợ công.
Tổng Thư ký UNCTAD bày tỏ ấn tượng về những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong nhiều năm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ chính sách và thiết chế Nhà nước; các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua trong kiểm soát dịch bệnh COVID 19; trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững hiện nay. Việt Nam là ví dụ thành công điển hình cho các quốc gia khác học tập và tôi chúc mừng Việt Nam về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội. Chính hệ thống thiết chế Nhà nước và các chính sách hiệu quả của Việt Nam đã giúp mang lại những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng” - Tổng thư ký UNCTAD nhấn mạnh.
Tổng Thư ký UNCTAD cho biết UNCTAD có nhiều mối quan hệ liên quan đến lĩnh vực kiểm toán môi trường và kiểm toán CNTT (IT), đặc biệt là các công cụ kiểm toán IT hiện đại, đồng thời có thể chia sẻ về các thực tiễn cho Kiểm toán nhà nước Việt Nam. “UNCTAD và cá nhân tôi ủng hộ và sẽ cố gắng thúc đẩy kết nối, hợp tác toàn diện và trao đổi với KTNN Việt Nam về những vấn đề cùng quan tâm trong thời gian tới“ - Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan khẳng định./.
UNCTAD là tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc được thành lập năm 1964, có trụ sở chính đặt tại Geneva (Thụy Sĩ); là một bộ phận của Ban Thư ký Liên hợp quốc, báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Kinh tế và Xã hội, nhưng có thành viên, ban Lãnh đạo và ngân sách riêng. UNCTAD cũng là một phần của Nhóm các Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc cùng với các Ủy ban và cơ quan khác của Liên hợp quốc đo lường tiến độ triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thuộc Chương trình Nghị sự 2030.
UNCTAD giúp cho các nước đang phát triển ứng phó với những hạn chế tiềm ẩn của hội nhập kinh tế sâu rộng. Mục đích chung của UNCTAD là thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng của tất cả các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển. |
Thúy Nguyễn