Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Chương trình công tác năm 2023: Bảo đảm việc xây dựng Chương trình công tác đúng quy định, quy trình

15/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 14/12/2022, tiếp tục Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH xem xét chương trình công tác năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành nội dung thảo luận

Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH bám sát một số nguyên tắc: Tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của UBTVQH. Đối với các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác.
 
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp

Do đó, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của UBTVQH trong năm 2023 đối với 12 dự án Luật theo đề xuất của Chính phủ; 2 dự án Luật, 1 dự án Pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án Nhân dân Tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, UBTVQH tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án Luật trình Quốc hội lần đầu do hai phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến trong năm 2023, UBTVQH tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác. Đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra đã thống nhất tiến độ trình UBTVQH cho ý kiến, do đó đề nghị vẫn bố trí dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023. Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị sớm hồ sơ dự án Luật, dự kiến UBTVQH xem xét dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu thêm một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH về: Nội dung tài chính, ngân sách; xem xét một số báo cáo tại phiên họp; xem xét, cho ý kiến đối với Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị UBTVQH tập trung cho ý kiến về cách thức, tổ chức xây dựng chương trình công tác cùng với dự thảo Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội lưu ý nội dung cần rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả công tác của năm trước, đánh giá việc chuẩn bị các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan tổ chúc hữu quan... “Năm 2023 sẽ tổ chức kiểm điểm đánh giá giữa nhiệm kỳ, vì vậy, đề nghị các đại biểu cũng cho ý kiến về việc tổ chức thực hiện nội dung công việc này.”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chương trình công tác năm 2023 của UBTVQH được xây dựng rất công phu, bài bản, tương đối toàn diện, bao quát đầy đủ. Tuy nhiên, Nghị quyết nên viết ngắn gọn hơn và bổ sung phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình trong năm mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Nghị quyết cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, công tác chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và UBTVQH. Chỉ đưa ra UBTVQH những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ; việc trình UBTVQH cần có dự thảo văn bản kèm theo; đối với những nội dung đã có sự thống nhất cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, dành thời gian cho ý kiến vào những vấn đề lớn; giảm thời gian đọc tờ trình… giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của UBTVQH.

Về thời gian tổ chức phiên họp UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên bố trí vào ngày 10 hàng tháng để các thành viên UBTVQH chủ động lịch tiếp xúc cử tri, công tác, khảo sát; Chính phủ, các cơ quan khác chủ động trình các nội dung; giảm phiên họp chuyên đề xuống còn 2 phiên họp chuyên đề/một năm, tăng thời gian họp UBTVQH, bởi có phiên họp của Ủy ban Thường vụ chỉ kéo dài 0,5-1 ngày; đồng thời bố trí dự phòng đối với từng phiên họp UBTVQH…

Cho ý kiến về nội dung kéo dài thời gian thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội thống nhất kéo dài hiệu lực Nghị quyết đến ngày 31/12/2023, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Luật hóa quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, cùng với việc rà soát sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội xem xét chậm nhất là tại kỳ họp thứ 5, do đó đề nghị bổ sung nội dung này vào chương trình.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về xây dựng chương trình công tác, UBTVQH đề nghị bổ sung đánh giá việc xây dựng và thực hiện chương trình năm trước. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý ngay cả ở những kỳ họp, phiên họp được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, vẫn có sự điều chỉnh chương trình, mặc dù cần có sự linh hoạt nhưng đây là những vấn đề cần khắc phục.

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý một số nội dung cụ thể, như điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội; thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, UBTVQH giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »