Chủ nhiệm đề tài, Ths. Bùi Thanh báo cáo kết quả nghiên cứu
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Chủ nhiệm đề tài, Ths. Bùi Thanh Lâm cho biết: Kiểm tra, đối chiếu là việc nghiên cứu, xem xét sổ sách, ghi chép, các thông tin, hồ sơ, tài liệu trên cơ sở đó để đánh giá, xác nhận về nội dung kiểm toán so với tiêu chí kiểm toán đã xác định. Việc kiểm tra, đối chiếu bao gồm kiểm tra tài liệu, thông tin, sổ kế toán, chứng từ, hiện vật có thể từ trong hoặc ngoài đơn vị. Trong thời gian qua, kiểm tra, đối chiếu đã giúp các Đoàn kiểm toán của KTNN thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến, đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán phù hợp.
Trong lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương, những năm qua, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện hành vi vi phạm chính sách thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế còn bỏ sót nhiều vi phạm của doanh nghiệp… Mặc dù số doanh nghiệp được kiểm tra, đối chiếu chưa nhiều nhưng qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu nhiều tỷ đồng. Các kiến nghị kiểm toán đã góp phần giúp các địa phương, cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thu thuế, giúp các doanh nghiệp khắc phục được các sai sót trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN và nhận thức được trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật thuế. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác kiểm tra, đối chiếu của KTNN nói chung và của các KTNN khu vực nói riêng vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Một các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế đó là KTNN chưa ban hành hướng dẫn việc kiểm tra, đối chiếu đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Chính vì vậy, đề tài “Xây dựng quy định hướng dẫn việc kiểm tra, đối chiếu đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN” có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Ngoài mở đầu và kết luận, nội dung của đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Những vấn đề cơ bản về kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2 - Thực trạng việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 3 - Xây dựng hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu hoạt động kiểm toán của KTNN và giải pháp thực hiện.
Để giải quyết các mục tiêu đặt ra, đề tài sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp kỹ thuật nghiên cứu, gồm: tổng hợp, phân tích, so sánh, mô hình hóa, …
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài, các thành viên Hội đồng khoa học KTNN cho rằng: Đây là đề tài mới, mang tính cấp thiết, thời sự và bám sát mục tiêu, định hướng, yêu cầu của KTNN trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, đề tài đã hệ thống hóa một cách tương đối logic về cơ sở lý luận về việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN; đã phân tích và đánh giá thực trạng việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN, bao gồm cả thực trạng trong việc ban hành các văn bản quy định về hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu, thực trạng tổ chức thực hiện kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN và thực trạng việc quản lý, kiểm soát đối với việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN. Từ đó, đề xuất định hướng xây dựng hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán của KTNN; đề xuất nội dung của Hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán của KTNN; đưa ra một số giải pháp và điều kiện thực hiện các giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra, đối chiếu.
Theo TS. Vũ Văn Họa, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, mặc dù, KTNN đã ban hành quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc kiểm toán, tuy nhiên hiện nay chưa có Hướng dẫn thực hiện quy định này để kiểm toán viên có thể áp dụng như một cẩm nang khi thực hiện. Do đó, việc xây dựng quy định Hướng dẫn là cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán. Đề tài sau khi hoàn thành và nghiệm thu sẽ có giá trị cung cấp các gợi ý để xây dựng Hướng dẫn việc kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Việc có một hướng dẫn cụ thể về hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, đối chiếu trong hoạt động kiểm toán nói riêng và hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung. Việc hướng dẫn trong hoạt động kiểm tra, đối chiếu như một cẩm nang để kiểm toán viên thực hiện có thể áp dụng, vận dụng trong quá trình thực hiện kiểm tra, đối chiếu.
Tuy nhiên, để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu, bổ sung và tập trung làm rõ một số nội dung: xem xét điều chỉnh đối tượng nghiên cứu tại các cuộc kiểm toán liên quan đến quản lý, sử dụng NSNN (không chỉ NSĐP mà còn cả NS bộ ngành, trừ kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề…); Chương 1 làm rõ hơn về kiểm tra, đối chiếu trong từng hoạt hình kiểm toán hiện nay KTNN đang triển khai là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động; Chương 3 làm rõ hơn về Hướng dẫn kiểm tra, đối chiếu được nêu tại là dạng văn bản gì để KTNN ban hành.; Rà soát chương 2, 3 sử dụng thống nhất tên gọi đối tượng được kiểm tra đối chiếu là “Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN”; Bổ sung số liệu trong nội dung đánh giá việc KTNN trả lời nhiều văn bản kiến nghị khiếu nại về kết quả kiểm tra, đối chiều…
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
Hà Linh