Những năm qua, hoạt động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã góp phần tích cực vào quá trình quản lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực tài chính và tài sản trong xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa thông tin tài chính trong nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, KTNN ngày càng quan tâm và chú trọng loại hình kiểm toán hoạt động, nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Kiểm toán hoạt động chính là bước tiến về trình độ, chuyên môn và hiệu quả của hoạt động KTNN và là căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.
KTNN đã có nhiều đóng góp đối với việc trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia
Ý kiến của Kiểm toán nhà nước là dữ liệu đầu vào quan trọng
Theo quy định của Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019), KTNN có nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự án quan trọng quốc gia và tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định. Đồng thời, Luật KTNN cũng quy định báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia nói riêng tiếp tục được tăng cường, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, đây cũng là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Để đạt được kết quả đó, sự đóng góp của KTNN là không nhỏ. Công tác kiểm toán hoạt động của KTNN là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. KTNN vừa có trách nhiệm trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định, vừa tham gia ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đối với Ủy ban Kinh tế, công tác phối hợp với KTNN được thực hiện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Hằng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước đều gửi các báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, cho ý kiến về các lĩnh vực có liên quan tới Ủy ban Kinh tế. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với KTNN. Các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao.
Trong năm 2022, tham gia ý kiến chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia là một trong những dấu ấn nổi bật trong hoạt động của KTNN và cũng gắn với công tác thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với các dự án quan trọng quốc gia. Các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2022 có sự tham gia ý kiến của KTNN, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Ý kiến tham gia của KTNN khá đầy đủ, toàn diện, từ việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến các thông tin cơ bản của dự án và việc triển khai thực hiện dự án… Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp Ủy ban Kinh tế xây dựng báo cáo thẩm tra trình Quốc hội. Qua đây cũng thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa KTNN với Ủy ban Kinh tế; đồng thời, có thể khẳng định, KTNN đã có nhiều đóng góp đối với việc trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.
Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia
Để nâng cao vai trò, đóng góp của KTNN trong việc trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, cần quán triệt quan điểm phát triển KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành; đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển và hoạt động của KTNN trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm toán hoạt động.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN để tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Ba là, đổi mới phương pháp kiểm toán. Trong đó, hoàn thiện, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, tích cực chuyển dần trọng tâm sang kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của KTNN.
Bốn là, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Quốc hội giao trong các Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, đó là trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết này.
Năm là, nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, bảo đảm đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Sáu là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa KTNN với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng phối hợp trong công tác kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia./.
TS. Nguyễn Minh Sơn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Theo Báo Kiểm toán