KTNN hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023

18/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn)- Nhằm thực hiện kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 đạt chất lượng, hiệu quả và hiệu lực, mới đây Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký, ban hành Công văn số 37/KTNN-TH hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023.

Công văn nêu rõ, mục tiêu kiểm toán chung là nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KTNN đến 2030; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, đạc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN), tăng giá trị báo cáo kiểm toán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; phát huy vai trò Kiểm toán nhà nước (KTNN) là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nội dung xác định trọng yếu kiểm toán được hướng dẫn cụ thể:

Xác định trọng yếu kiểm toán để xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP), báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương; báo cáo tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, tố chức tài chính; báo cáo quyết toán vốn đầu tư công được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán từng lĩnh vực đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
 
Xác định trọng yếu kiểm toán để xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo tài chính, thông tin tài chính khác: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán vận dụng theo các văn bản hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán từng lĩnh vực tương đồng, trình bày lý do trong Tờ trình thẩm định Kế hoạch kiểm toán của Đoàn kiểm toán.
 
Kiểm toán thu NSNN tập trung vào một số nội dung trọng yếu: Công tác lập, giao, thực hiện dự toán thu NSNN; lưu ý đánh giá khả năng nguồn thu của NSĐP, tác động tăng, giảm do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH 15 và tăng, giảm do các yếu tố khác (nếu có); công tác quản lý thu thuế, thu phí, lệ phí theo quy định; đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý, thu hồi nợ đọng thuế của cơ quan Thuế, Hải quan, việc thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14; phân loại nợ đọng thuế, trong đó lưu ý đối với nhóm nợ chờ điều chỉnh; công tác chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, các giao dịch thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới; đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; việc quản lý thu tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển.
 
Kiểm toán chi thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng yếu: Việc lập, phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn, Thông tư số 61/2021/TT-BTC về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022- 2024 và khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 122/2021/TT-BTC về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022; đánh giá việc quản lý và sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu; việc trích lập, quản lý và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành chưa được tính trong định mức phân bổ năm 2022 (nếu có); việc chấp hành các quy định về điều chỉnh dự toán chi đã giao cho các đơn vị sử dụng NSNN; việc cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; việc quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (nguồn chi thường xuyên); việc triển khai, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (chỉ xác định tại các địa phương có kiểm toán NSĐP, nội dung thực hiện theo đề cương của Ngành).
 
Kiểm toán chi đầu tư, tập trung vào một số nội dung trọng yếu: Việc lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; công tác điều hòa, phân bổ nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của NSĐP cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán, việc thực hiện đấu thầu qua mạng, quản lý tiến độ, giải ngân vốn đầu tư, việc áp dụng định mức, đơn giá, việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng, nguyên nhân giải ngân thấp, chi phí đầu tư, trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu; việc tuân thủ các quy định trong kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, thu hồi vốn ứng trước; công tác tạm ứng và thu hồi tạm ứng, xác định số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi; việc quản lý, theo dõi và xử lý nợ đọng XDCB.
 
Kiểm toán quản lý tài sản công và một số nội dung khác tập trung vào một số nội dung trọng yếu: Đánh giá việc triển khai thực hiện và quản lý, sử dụng tài sản công và việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN đối với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đánh giá việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; sử dụng đất đai của các đơn vị sự nghiệp; quản lý mua sắm, sử dụng tài sản công trong đó lưu ý xe ô tô công; tài sản chuyển giao về địa phương quản lý; đánh giá việc lập, giao dự toán và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm thực hiện của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; việc quản lý, sử dụng tiền thu sử dụng đất, trong đó lưu ý đánh giá: Việc bổ sung Quỹ phát triển đất; sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả vốn ứng từ Quỹ phát triển đất; việc bố trí 10% tiền sử dụng đất cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đánh giá việc sử dụng tồn ngân Kho bạc Nhà nước (KBNN) tạm ứng, cho vay (thẩm quyền, mục đích, thu hồi); việc phân bổ, giao kế hoạch vốn và sử dụng vốn dự phòng NSTW; việc quản lý nợ chính quyền địa phương, lưu ý đánh giá hiệu quả sử dụng các khoản vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại; đánh giá việc chi chuyển nguồn của các cấp ngân sách (nguyên nhân chi chuyển nguồn lớn), trong đó lưu ý đánh giá việc chi chuyển nguồn (chi thường xuyên, chi đầu tư) theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
 
Kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng, tập trung đánh giá: Việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đặc biệt là phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối của các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễm, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ... đối với các doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19; việc quản lý và sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
 
Kiểm toán chuyên đề, chương trình, căn cứ vào đề cương kiểm toán các chuyên đề có phạm vi rộng và đặc thù được phê duyệt để xác định trọng yếu kiểm toán của cuộc kiểm toán. Đôi với các chuyên đề, chương trình độc lập căn cứ vào thông tin thu thập để xác định trọng yếu kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá các tiêu chí đầu vào và kết quả thực hiện đầu ra, như: Xác định nhu cầu đầu tư, sự phù hợp về quy mô, phạm vi, đối tượng thụ hưởng; khả năng huy động và việc quản lý, sử dụng vốn; kết quả thực hiện các mục tiêu, hiệu quả của chương trình, dự án; công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện chương trình; đánh giá các nội dung văn bản, chính sách của chương trình để có kiến nghị điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
 
Kiểm toán lĩnh vực kiểm toán hoạt động, môi trường, căn cứ vào hướng dẫn kiểm toán hoạt động được ban hành theo Quyết định số 1925/QĐ-KTNN ngày 16/11/2021, hướng dẫn kiểm toán công nghệ thông tin ban hành theo Quyết định số 2076/QĐ-KTNN ngày 14/12/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước, các văn bản hướng dẫn riêng đối với kiểm toán môi trường đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành và thông tin thu thập để xác định trọng yếu kiểm toán đối với từng chủ đề kiểm toán cho phù hợp.
 
Công văn nêu rõ, ngoài các văn bản hướng dẫn của Ngành về đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong từng lĩnh vực, trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin xây dựng Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có thể xác định trọng yếu khác hoặc ngoài phạm vi hướng dẫn thì xác định theo thông tin khảo sát và trình bày rõ tại Tờ trình khi xét duyệt Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán.
 
Việc xác định nội dung kiểm toán đối với từng cuộc kiểm toán trong năm 2023 tuân thủ các quy định: Thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm toán theo quy định tại quy trình kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán theo từng lĩnh vực của KTNN, Đề cương kiểm toán, công văn hướng dẫn mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán hoạt động... đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Trong đó đảm bảo thực hiện các trọng yếu kiểm toán cho từng lĩnh vực đã được hướng dẫn, phù hợp với cuộc kiểm toán; các nội dung kiểm toán cần thực hiện để đảm bảo thực hiện đầy đủ mục tiêu kiểm toán của từng cuộc kiểm toán; phù hợp với các thông tin thu thập và phân tích trong giai đoạn khảo sát, lập Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán.
 
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo Đoàn kiểm toán nghiên cứu, lựa chọn kiểm toán đối với các nội dung kiểm toán thường xảy ra sai phạm và một số đặc thù của năm 2022 được liệt kê kèm theo Công văn này./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »