Kiểm toán nhà nước hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước

09/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Ngày 08/2/2023, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định 56/QĐ-KTNN ban hành “Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước”.

KTNN ban hành “Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước”

Hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) - Hướng dẫn 56 quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các bước công việc của cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, gồm:Chuẩn bị kiểm toán; Thực hiện kiểm toán; Lập và gửi báo cáo kiểm toán; Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
Các quy định này được áp dụng đối với cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN hàng năm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và được áp dụng đối với Đoàn kiểm toán của KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Ngoài thực hiện các quy định tại hướng dẫn này, khi thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, Đoàn kiểm toán, thành viên của Đoàn kiểm toán phải tuân thủ các yêu cầu được quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 02/2020/QĐ-KTNN ngày 16/10/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước (Quy trình kiểm toán của KTNN).
 
Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quy trình kiểm toán của KTNN. Việc lập và lưu trữ tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quy trình kiểm toán của KTNN.
 
Quy định cụ thể về giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, Hướng dẫn 56 quy định rõ, việc khảo sát, thu thập thông tin theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN. Ngoài ra, đối với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN cần thu thập các thông tin về: Tình hình kinh tế, xã hội và tổng quát về NSNN năm được kiểm toán; thông tin về tình hình NSNN; thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin liên quan khác
 
Việc thực hiện đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và các thông tin đã thu thập theo phương pháp đánh giá và cách thức tiến hành quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN và tập trung đánh giá 6 nội dung: Tính đầy đủ, độ tin cậy, tính hợp pháp, hợp lệ của các thông tin thu thập được; sơ bộ về tình hình tài chính quốc gia thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tình hình thu, chi, cân đối NSNN và các vấn đề liên quan đến dự toán, thực tế năm trước liền kề năm được kiểm toán, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm quốc gia, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia; những hệ thống các quy định về quản lý NSNN, chính sách tài khóa năm được kiểm toán, những biến động bất thường trong thu, chi NSNN, hoạt động điều hành thu, chi NSNN chủ yếu trong năm được kiểm toán; hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị được kiểm toán trên các mặt: Độ tin cậy, tính đầy đủ, tính liên tục, tính hiệu lực thông qua sự hiểu biết và đánh giá về môi trường kiểm soát thu, chi NSNN, công tác kế toán, các thủ tục kiểm soát và kiểm toán nội bộ; các quy định nội bộ (tổ chức và hoạt động), kiểm soát, kiểm tra, thanh tra thu, chi NSNN; việc chấp hành các quy định, quy chế nội bộ trong lập, chấp hành, quyết toán thu, chi NSNN của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Ké hoạch và Đầu tư; Đánh giá tổng hợp về độ tin cậy của hệ thống kiểm soát nội bộ của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Đối với việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát, thực hiện theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN, các nội dung chính cần xác định trong kế hoạch kiểm toán gồm:

Mục tiêu kiểm toán nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán NSNN năm được kiểm toán; việc tuân thủ Luật NSNN, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, văn bản pháp luật trong quản lý, điều hành và sử dụng NSNN năm được kiểm toán; hiệu lực triển khai chính sách tài khóa, hiệu lực quản lý, điều hành NSNN của Chính phủ đối với năm được kiểm toán; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ ché chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm; giám sát tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm quốc gia.

Việc xác định và đánh giá rủi ro kiểm toán dựa trên những đánh giá tổng quát về các yếu tố tác động đến rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát để làm cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN. Hướng dẫn 56 hướng dẫn cụ thể các nội dung đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát.
 
Việc xác định trọng yếu kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro kiểm toán; quy mô thu, chi NSNN và các chỉ tiêu quan trọng khác trên Báo cáo quyết toán NSNN; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm quốc gia; kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm quốc gia; chính sách tài khóa, tiền tệ và các giải pháp quản lý, điều hành NSNN liên quan đến năm được kiểm toán để xác định trọng yếu kiểm toán theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN. Hướng dẫn 56 cũng cụ thể hóa một số lưu ý về nội dung trọng yếu kiểm toán.
 
Các nội dung kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN gồm:

Về quyết toán thu NSNN: Đánh giá việc tuân thủ, tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác lập, giao dự toán thu NSNN; chấp hành dự toán thu NSNN, quản lý điều hành thu NSNN; xác định số quyết toán thu NSNN; việc tuân thủ trong công tác quyết toán thu NSNN; việc hoàn thuế GTGT; về nợ đọng thuế.
 
Về quyết toán chi NSNN: Xác định số quyết toán chi NSNN; việc tuân thủ trong công tác quyết toán chi NSNN; việc tuân thủ, tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác lập, giao dự toán chi NSNN; chấp hành và điều hành dự toán chi NSNN.

Kiểm toán một số nội dung liên quan đến NSNN: Việc trích lập, quản lý Quỹ dự trữ tài chính của ngân sách Trung ương (NSTW); việc ứng trước dự toán cho năm sau liền kề năm được kiểm toán và hoàn trả khoản ứng trước của các năm trước trong năm được kiểm toán; việc triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ và những giải pháp của Chính phủ để điều hành nền kinh tế trong từng thời kỳ có liên quan đến năm được kiểm toán; xác nhận số liệu nợ công theo mức vay bù đắp bội chi trên cơ sở Báo cáo quyết toán NSNN (mức nợ và tỷ lệ nợ so với GDP); việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định.

Về nội dung phạm vi và giới hạn kiểm toán, Hướng dẫn 56 nêu rõ, xác định niên độ (thời kỳ), đơn vị và các nội dung được kiểm toán, giới hạn, hạn chế không thể tiến hành kiểm toán đối với các nội dung được kiểm toán hoặc đối chiếu. Lưu ý xác định rõ các đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính như: Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân và các vụ có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ NSNN, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Vụ Đầu tư, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, KBNN và một số đơn vị liên quan của Bộ Tài chính.
 
Hướng dẫn 56 dành nội dung Chương 3 quy định chi tiết về thực hiện kiểm toán với các quy định về: Công bố quyết định kiểm toán; tiến hành kiểm toán đối với nội dung thu NSNN tại Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách nhà nước và tại Kho bạc Nhà nước; tiến hành kiểm toán đối với nội dung chi đầu tư phát triển tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Tại Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Vụ Ngân sách nhà nước); tiến hành kiểm toán đối với nội dung chi NSNN (trừ chi đầu tư phát triển) và một số nội dung khác liên quan đến NSNN tại Vụ, cục thuộc Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước…
 
Theo hướng dẫn 56, Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được lập và gửi theo trình tự, thủ tục quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN; không thực hiện lập thông báo kết quả kiểm toán tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Quy trình kiểm toán của KTNN.

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN trình Quốc hội được lập trên cơ sở Báo cáo quyết toán NSNN do Chính phủ trình Quốc hội, tổng họp kết quả kiểm toán năm của KTNN có liên quan đến quyết toán NSNN và Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp, lập Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN trình Tổng Kiểm toán nhà nước ký phát hành; trong đó đối chiếu những điều chỉnh (nếu có) giữa Báo cáo quyết toán NSNN do Chính phủ trình Quốc hội với Báo cáo quyết toán NSNN do Bộ Tài chính gửi KTNN khi thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Luật KTNN năm 2015, Chương V Quy trình kiểm toán của KTNN và Quy trình theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN ban hành tại Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN ngày 03/11/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước./.

Ngọc Bích

 

Xem thêm »