Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), vai trò của thủy điện nói chung, thủy điện nhỏ nói riêng đối với quá trình phát triển đất nước thời gian qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, những bất cập của chính sách, pháp luật và một số tồn tại, hạn chế trong lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai đầu tư các dự án thủy điện nhỏ đã làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020.
KTNN đã chỉ ra những bất cập, hạn chế làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020.
Bổ sung quy hoạch thủy điện nhỏ vượt công suất
Theo Báo cáo tình hình thực hiện thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020 của 5 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, các dự án thủy điện đã đóng góp một phần sản lượng vào lưới điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững; thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh…
Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, tờ trình và hồ sơ quy hoạch bổ sung nguồn thủy điện nhỏ của các tỉnh chưa phù hợp quy hoạch phát triển điện lực địa phương theo kỳ quy hoạch 10 năm và định hướng cho 10 năm tiếp theo, dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hoặc không thể triển khai do không có lưới điện để thỏa thuận đấu nối; chưa phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Kết quả kiểm toán tại Bộ Công Thương cho thấy, tính đến tháng 9/2016, tổng số dự án thủy điện nhỏ đã được Bộ phê duyệt quy hoạch là 693 dự án, với tổng công suất quy hoạch là 7.024,74MW, đã vượt cơ cấu nguồn điện thủy điện nhỏ đến năm 2025 của Chính phủ (thủy điện nhỏ là 5.343MW, tương đương vượt 131% công suất cơ cấu); trong đó có 407 dự án đã vận hành khai thác và đang thi công xây dựng với tổng công suất đạt 4.455MW, vượt cơ cấu nguồn thủy điện nhỏ đến năm 2020 của Chính phủ (vượt 120% công suất cơ cấu).
Như vậy, quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ trước giai đoạn 2016-2020 đã vượt quá công suất lắp đặt cơ cấu trong hệ thống điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Không dừng lại ở đó, từ tháng 10/2016 đến hết năm 2020, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phê duyệt điều chỉnh và bổ sung quy hoạch 490 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp đặt hơn 5.520MW là chưa hợp lý, dẫn đến quy hoạch tổng thể thủy điện nhỏ vượt công suất được cơ cấu tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025 là 1,34 lần.
“Việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, cho phép đầu tư phát triển các dự án thủy điện nhỏ vượt quá công suất lắp đặt được cơ cấu tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 là chưa phù hợp quy định của Luật Điện lực. Sau khi Luật Quy hoạch và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ là chưa phù hợp quy định của Luật Quy hoạch” - Báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định, phê duyệt bổ sung một số dự án thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020 không lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đến chưa bảo đảm độ tin cậy về thông tin, số liệu làm cơ sở trình phê duyệt quy hoạch, chưa đủ cơ sở để đánh giá về sự phù hợp của đề xuất quy hoạch thủy điện với quy hoạch liên quan khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ nhưng không nêu rõ tiến độ dự kiến hoặc thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án, dẫn đến không có cơ sở đánh giá sự phù hợp giữa kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy điện với quy hoạch phát triển điện lực đã được Thủ tướng phê duyệt, sự phù hợp với tình hình phụ tải và công trình lưới điện có liên quan trong khu vực.
Sửa đổi, bổ sung các bất cập về chính sách, pháp luật
Kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020, KTNN cũng phát hiện một số bất cập về chế độ, chính sách, pháp luật. Cụ thể, đối với Thông tư số 43/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện, theo KTNN, do các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn làm căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư này đã hết hiệu lực, dẫn đến các quy định chi tiết tại Thông tư cũng hết hiệu lực. Tương tự, Thông tư số 43/2013/TT-BCT quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực, do Luật Quy hoạch năm 2017 đã tích hợp quy hoạch phát triển điện lực tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia nên nhiều quy định của Thông tư đã không còn phù hợp. Vì vậy, KTNN kiến nghị Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế 2 Thông tư trên phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Liên quan đến quy định về quản lý dòng chảy tối thiểu, KTNN chỉ rõ, quy định tại khoản 2 Điều 6, khoản 3 Điều 44 và khoản 2 Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước có sự chồng chéo trong thẩm quyền quản lý, phê duyệt dòng chảy tối thiểu đối với hạ lưu, hồ chứa các dự án thủy điện nhỏ sử dụng nguồn nước nội tỉnh giữa Bộ TN&MT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, quy định tại Điều 4 Thông tư số 64/TT-BTNMT quy định xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng chưa đáp ứng yêu cầu của Luật Tài nguyên nước, sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt dòng chảy sau đập dâng do lưu lượng của dòng chảy tối thiểu này được áp dụng trọn đời của dự án. Do đó, KTNN kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu cho Chính phủ thống nhất phân cấp quyền quản lý, phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu; đồng thời, sửa đổi, bổ sung Thông tư 64 đáp ứng yêu cầu của Luật Tài nguyên nước.
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, quy định trong Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Đất đai 2013 có sự chồng chéo về thẩm quyền giữa Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân các tỉnh đối với việc quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng và đất rừng đặc dụng dưới 20ha. KTNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai để bảo đảm thống nhất, đồng bộ./.
KTNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội sửa đổi Điều 4 Luật Điện lực phù hợp với Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét, bổ sung Nghị quyết số 110/NQ-CP về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đối với các dự án thủy điện nhỏ đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vượt công suất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Đ.Khoa
(Báo Kiểm toán số 06/2023)