Kiểm toán nhà nước Việt Nam chủ động hội nhập sâu và tham gia thực chất vào Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á

14/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn năm 2020 tiếp tục khẳng định hợp tác quốc tế là một trong những chiến lược cốt lõi góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của KTNN trong cộng đồng khu vực và thế giới, trong đó “lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Tháng 9/2018, KTNN Việt Nam tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 - một trong những đại hội thành công nhất trong lịch sử ASOSAI

Kiểm toán nhà nước Việt Nam chủ động hội nhập sâu và tham gia thực chất vào hoạt động của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á

Với mục tiêu vừa tiếp tục củng cố vị thế hiện có vừa thực hiện phương châm tập trung hợp tác quốc tế chuyên môn theo chiều sâu, đảm bảo nguyên tắc “thực chất, hiệu quả”, chủ trương ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2024-2027 của KTNN Việt Nam đã được Chủ tịch Quốc hội phê chuẩn, đồng thời yêu cầu KTNN nghiên cứu kế hoạch, đề xuất, đánh giá tác động của việc tham gia ứng cử vị trí trên cũng như điều kiện bảo đảm nếu KTNN Việt Nam đảm nhận vị trí này để có lộ trình triển khai, thực hiện phù hợp.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để KTNN Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới ứng cử vị trí Tổng thư ký ASOSAI vào thời điểm thích hợp sau năm 2027 theo tinh thần của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 -“KTNN Việt Nam ứng cử vai trò Kiểm toán viên độc lập cho các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc trong giai đoạn 2021-2030”.

Với sứ mệnh không ngừng phát triển để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gần 30 năm qua, KTNN Việt Nam đã và đang thúc đẩy vai trò và nâng tầm vị thế trong quá trình hội nhập quốc tế của quốc gia, đặc biệt từ khi tham gia tổ chức ASOSAI năm 1997. ASOSAI đã giúp KTNN đào tạo khoảng 800 lượt công chức, Kiểm toán viên tại các khóa đào tạo ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau về chuyên môn. Đặc biệt, ASOSAI đã có những đóng góp đáng kể trong xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển của KTNN Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, KTNN Việt Nam cũng luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thành viên trong việc cung cấp tài liệu tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện địa vị pháp lý, Luật KTNN, chuẩn mực và quy trình kiểm toán, góp phần từng bước đưa KTNN trở thành một cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công chuyên nghiệp.  

Bên cạnh đó, KTNN Việt nam đã và đang nâng cao vị thế trong cộng đồng ASOSAI bằng việc chủ động hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào các hoạt động của tổ chức. Kể từ tháng 1/1997, KTNN Việt Nam đã chính thức gia nhập ASOSAI; giai đoạn 2000-2009 - KTNN đăng cai nhiều hoạt động đào tạo, hội thảo quốc tế của ASOSAI; tháng 9/2009, KTNN lần đầu tiên được Đại hội ASOSAI bầu là thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2009-2012; tháng 9/2010, KTNN Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Cuộc họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 42; kể từ tháng 8/2011 đến nay KTNN là thành viên Nhóm công tác của ASOSAI về kiểm toán môi trường; tháng 2/2015, KTNN được Đại hội ASOSAI bầu là thành viên Ban Điều hành ASOSAI 03 nhiệm kỳ, giai đoạn 2015 - 2024 và Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; tháng 9/2018, KTNN tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 và được đánh giá là một trong những đại hội thành công nhất trong lịch sử ASOSAI với sự ra đời lần đầu tiên của Tuyên bố Hà Nội về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”; từ tháng 9/2018-tháng 9/2021, KTNN thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và được cộng đồng ASOSAI đánh giá cao vì những nỗ lực và đóng góp cho sự thành công của Tuyên bố Hà Nội và Chiến lược ASOSAI giai đoạn 2016-2021, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng khu vực do đại dịch COVID-19; từ tháng 9/2021 đến nay, KTNN là thành viên Ban điều hành ASOSAI 2021-2024, thành viên Nhóm công tác ASOSAI về kiểm toán mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Nhóm công tác về kiểm toán quản lý khủng hoảng.
 

Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14, KTNN Việt Nam đã được bầu giữ chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021

Tiến trình hội nhập của KTNN Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật sau thời gian nỗ lực tạo dựng và xác lập vị thế quan trọng trên diễn đàn hợp tác khu vực giai. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi quốc gia thành viên, KTNN Việt Nam đã chủ động, sáng tạo đề xuất, khởi xướng các sáng kiến, ý tưởng cùng các thành viên ASOSAI vượt qua thách thức của đại dịch và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây là những đóng góp quan trọng góp phần nâng tầm vị thế và khẳng định sự tín nhiệm của ASOSAI nói chung và các thành viên ASOSAI nói riêng đối với KTNN Việt Nam.
 
KTNN Việt Nam có đủ điều kiện để ứng cử để ứng cử là thành viên Ủy ban kiểm toán của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á

Điều lệ ASOSAI quy định Ủy ban kiểm toán ASOSAI là một cơ quan trực thuộc ASOSAI, có chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI niên độ 03 năm theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế, bao gồm chuẩn mực kiểm toán (ISSAI) của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI); thực hiện kiểm toán thực địa tại trụ sở của Tổng thư ký ASOSAI (nhiệm kỳ 2024-2027 là SAI Trung Quốc) 01 lần sau khi kết thúc niên độ tài chính 03 năm theo Quy định tài chính của ASOSAI trừ trường hợp bất khả kháng; trình Đại hội Báo cáo kiểm toán không muộn hơn 06 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ 03 năm; trình bày Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI niên độ 3 năm tại Đại hội ASOSAI để thông qua; chủ trì giám sát công tác kiểm phiếu bầu Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ tiếp theo tại Cuộc họp Ban điều hành 01 năm trước Đại hội; bầu thành viên Ban điều hành và Ủy ban kiểm toán nhiệm kỳ tiếp theo tại Đại hội.

Thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI có trách nhiệm tuân thủ các quy định trong Điều lệ ASOSAI; phối hợp với SAI thành viên khác thuộc Ủy ban kiểm toán để xây dựng và thống nhất Điều khoản tham chiếu về nguyên tắc, nội dung và quy trình làm việc; phối hợp với Ban thư ký ASOSAI để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI; đồng ký Báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI niên độ 2024-2026 với SAI thành viên khác thuộc Uỷ ban kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Đại hội ASOSAI về Báo cáo kiểm toán Ủy ban kiểm toán ASOSAI bao gồm 02 SAI là thành viên ASOSAI, không nằm trong Ban điều hành và được Ban điều hành và các SAI bỏ phiếu bầu chọn tại Đại hội, giữ nhiệm kỳ 03 năm cùng nhiệm kỳ của Ban điều hành; Đại hội bầu Ủy ban kiểm toán trên cơ sở xem xét năng lực của SAI thành viên trong việc thực hiện kiểm toán đảm bảo tuân thủ Quy định tài chính và Hiến chương ASOSAI.

Thành viên Ủy ban kiểm toán được mời tham dự các cuộc họp thường niên của Ban điều hành ASOSAI. Thành viên Ủy ban kiểm toán cử công chức của SAI mình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán dựa trên các tiêu chí: Năng lực chọn mẫu thống kê và kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT); kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế (IPSAS) và chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs); kỹ năng làm việc bằng tiếng Anh; có khả năng hoàn thành công việc đáp ứng tiến độ được quy định trong Quy định tài chính và Hiến chương ASOSAI.

Điều lệ ASOSAI quy định mọi Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) là thành viên chính thức của ASOSAI đều có quyền ứng cử thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI. KTNN Việt Nam có đủ điều kiện để ứng cử và gửi thư bày tỏ nguyện vọng ứng cử tới Ban điều hành ASOSAI trước Đại hội ASOSAI lần thứ 16 năm 2024 ngay sau khi có thư mời ứng cử của Chủ tịch ASOSAI. Với 48 thành viên chính thức hiện tại của ASOSAI, số lượng SAI ứng cử vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán ngày càng đông qua các kỳ Đại hội do ngày càng có nhiều SAI mong muốn đóng góp và tham gia tích cực hơn các hoạt động của ASOSAI, đặc biệt nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ASOSAI. Theo thông lệ ASOSAI, việc bỏ phiếu lựa chọn thành viên Ủy ban kiểm toán được thực hiện trực tiếp tại Đại hội với 48 phiếu bầu của các SAI thành viên.
        
Đề án ứng cử vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 là cơ sở quan trọng để KTNN Việt Nam phân tích, đánh giá điều kiện cần thiết và tác động dự kiến, từ đó chuẩn bị phương án, nguồn lực phù hợp để triển khai thành công mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
 
Cuộc kiểm toán hợp tác về công tác quản lý nguồn nước tại Lưu vực sông Mê Công năm 2020-2021 trong khuôn khổ ASOSAI do KTNN Việt Nam chủ trì thực hiện

Việc KTNN lần đầu tiên ứng cử thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI  trong nhiệm kỳ 2024-2027 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm về mặt năng lực hội nhập và cấp độ chuyên môn trong hợp tác quốc tế; minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của một cơ quan Nhà nước Việt Nam còn khá trẻ trong cả phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và tiếp thu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế tiên tiến và nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung và các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực cho KTNN. Một lần nữa khẳng định KTNN Việt Nam kiên trì theo đuổi chủ trương là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng, tạo cơ hội để KTNN tiếp tục tạo môi trường và động lực cho đội ngũ Kiểm toán viên rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế, tăng cường năng lực hội nhập cho đội ngũ công chức, Kiểm toán viên của KTNN, nâng cao hình ảnh và tiếng nói của KTNN Việt nam trong nước và quốc tế.
         
Nếu trúng cử vị trí quan trọng này trong nhiệm kỳ 2024-2027, KTNN Việt Nam sẽ thực hiện kiểm toán Quỹ tài chính của ASOSAI, giúp KTNN Việt Nam bám sát và nắm bắt kịp thời tổng thể và chi tiết toàn bộ hoạt động của ASOSAI, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức, tham gia đề xuất, kiến nghị ý tưởng, giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của ASOSAI. KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục được tham gia và đóng góp ý kiến tại các cuộc họp thường niên của BĐH ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027 sau khi kết thúc vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024.
         
Quá trình ứng cử và thực hiện vai trò thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI trong 03 năm tạo cơ hội để KTNN Việt Nam tăng cường năng lực trong lĩnh vực kiểm toán công về: Kiểm toán Quỹ tài chính quốc tế; thực hiện kiểm toán theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA và ISSAIs); kỹ năng chủ trì cuộc kiểm toán theo hình thức phối hợp; kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đây cũng là điều kiện tốt để KTNN Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tiếp thu kinh nghiệm quốc tế cũng như nhiệm vụ hội nhập quốc tế của KTNN trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển chung của KTNN. Đây cũng là tiền đề để KTNN Việt Nam tiếp tục ứng cử thành công và đảm nhiệm tốt vai trò kiểm toán viên độc lập cho các tổ chức quốc tế như ASEANSAI, INTOSAI trong giai đoạn 2021-2030.
     
Để ứng cử thành công vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI, KTNN cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch vận động cụ thể, hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc tối ưu hóa nguồn lực ngay sau khi Đề án này được chính thức ban hành. Theo đó, mỗi đề xuất hoạt động trong Kế hoạch đối ngoại và Kế hoạch đào tạo hàng năm của KTNN cần xem xét ưu tiên hướng tới việc thực hiện Đề án, lồng ghép công tác vận động trong các hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong giai đoạn 2022-2024 cấp Lãnh đạo KTNN.
         
Đặc thù nhiệm vụ của thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI là thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính ASOSAI theo niên độ 03 năm, gồm nhiều nội dung và phải tuân thủ quy trình làm việc theo chuẩn mực quốc tế. Do đó, song song với kế hoạch vận động, KTNN cần chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để đảm đương tốt vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cần lựa chọn khoảng 7-9 công chức, Kiểm toán viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết về chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc bằng tiếng Anh... và bố trí nguồn lực đào tạo, tăng cường năng lực để sẵn sàng cho việc tham gia thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán. Trong đó, ưu tiên việc tăng cường năng lực thông qua các khóa đào tạo, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán báo cáo tài chính ASOSAI với các SAI thành viên ASOSAI có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và một số kỹ năng như chủ trì cuộc họp, thuyết trình bằng tiếng Anh.
       
Để hội nhập quốc tế đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đặc biệt về nâng cao năng lực kiểm toán, KTNN Việt Nam cần ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ khoảng 20 chuyên gia kiểm toán tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm toán để tiếp thu, truyền tải và vận dụng hiệu quả và tối ưu kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế vào thực tiễn hoạt động của ngành, tiến tới trở thành SAI có trình độ phát triển trong khu vực Châu Á, sẵn sàng đảm đương vị trí lãnh đạo các Nhóm công tác chuyên môn của ASOSAI, INTOSAI và đủ khả năng cho việc ứng cử Tổng thư ký ASOSAI sau năm 2027 theo chiến lược./.
 
Khánh Vy
 
Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) được thành lập năm 1979. ASOSAI hiện có 45 thành viên là Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAIs) của các nước khu vực châu Á.

ASOSAI là một trong 07 Nhóm làm việc khu vực của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) có số lượng thành viên đông nhất, với quy mô, tổ chức, tên gọi khác nhau nhưng thống nhất trong việc tăng cường và phát triển hoạt động kiểm toán công. Mục tiêu của tổ chức ASOSAI là thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các SAI thành viên thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và bồi dưỡng Kiểm toán viên nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đóng vai trò là trung tâm thông tin và cầu nối giữa các SAI trong khu vực với các tổ chức khác trên thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công.

Đại hội ASOSAI là cơ quan cao nhất của tổ chức, tổ chức định kỳ 03 năm/lần và vận hành thông qua các cơ quan nòng cốt của ASOSAI gồm: Ban điều hành ASOSAI (Chủ tịch, Tổng thư ký và 10 thành viên khác) do Đại hội bầu; Ủy ban phát triển năng lực; Ủy ban kiểm toán; Tạp chí ASOSAI; 03 Nhóm công tác chuyên môn (kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), kiểm toán quản lý khủng hoảng). Việc ứng cử và đảm đương các vị trí chủ chốt trong ASOSAI được thực hiện trên nguyên tắc các SAI thành viên tự nguyện đóng góp nguồn lực của mình.

ASOSAI đã hỗ trợ các SAI thành viên tăng cường năng lực chuyên môn trong các loại hình và lĩnh vực kiểm toán mới, xây dựng chuẩn mực, quy trình kiểm toán... thông qua nhiều hình thức gồm đào tạo, hội thảo chia sẻ kiến thức, hội nghị chuyên đề, đề án nghiên cứu, thực hiện kiểm toán hợp tác. Sau 43 năm hoạt động, ASOSAI đã cung cấp khoảng 700 khóa đào tạo, hội thảo chuyên môn cho hàng nghìn Kiểm toán viên và lãnh đạo quản lý các cấp; thực hiện khoảng 20 đề án nghiên cứu về các lĩnh vực kiểm toán mới và 10 cuộc kiểm toán hợp tác về lĩnh vực môi trường, SDGs; phát hành 32 tạp chí khoa học...

Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều SAI thành viên ASOSAI thể hiện vị thế, tạo tầm ảnh hưởng, nắm giữ vai trò chủ động và đóng góp tích cực cho các hoạt động và sự phát triển chung của ASOSAI.
 

         
           
     
         
         
       
 
 

Xem thêm »