Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đóng góp xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

08/03/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 07/3/2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 63 điểm cầu tại Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên cả nước.  

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hội Nông dân Việt Nam...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương các cơ quan, tổ chức đều lên kế hoạch chi tiết, có phân công cụ thể tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đúng với tinh thần kỹ lưỡng, công phu, chất lượng tốt, bảo đảm tính thực tiễn, tính khoa học và khả thi đã được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.
 
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội nghị
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội Nông dân cần phát huy vai trò của tổ chức hội trong việc tham gia, đóng góp ý kiến đối với dự luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đất nông nghiệp, đất nông lâm trường, đất rừng, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, ngân hàng đất nông nghiệp…
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Chuyển dịch đất đai luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lực lượng sản xuất. Mục tiêu là bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân khu vực nông thôn và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển. “Chính vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách” - Phó Thủ tướng phát biểu.
 
Phó Thủ tướng mong muốn tiếp tục được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân sống ở nông thôn, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đi kèm với đó là chuyển dịch về lực lượng lao động, chuyển dịch về tài nguyên đất đai. Cụ thể là các nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân… được thiết kế trong dự thảo Luật.
 
Nêu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với nông dân, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc sửa đổi Luật Đất đai tác động rất lớn và trực tiếp đến đời sống của nông dân cả nước. Do đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở và hội viên. Đến nay, Hội Nông dân nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân, với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nông dân; trong đó nhiều tỉnh, thành hội đã tổng hợp được rất nhiều ý kiến như Tiền Giang (1.267 lượt ý kiến), Vĩnh Long (trên 2.300 lượt ý kiến)...
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận 4 nội dung trọng tâm: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
 
Đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ninh, An Giang cho biết các quy định về đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến đóng góp của hội viên. Các ý kiến cho rằng, các quy định tại dự thảo Luật cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn, thể chế hóa nhiều nội dung trong Nghị quyết số 18 của Trung ương; mong muốn khi thực hiện thu hồi đất phải bảo đảm nông dân không chịu thiệt thòi, được bảo đảm về kinh tế, thu nhập, sinh kế, việc làm tốt hơn, trong đó, với người nông dân thì vấn đề sản xuất nông nghiệp, điều kiện tiếp tục gắn bó với nông nghiệp cần được quan tâm. 
 
Các đại biểu cũng đề nghị, quy định về đất nông nghiệp khác cần quy định cụ thể, rõ ràng về tạo điều kiện thuận lợi khi nông dân thực hiện công trình trên đất nông nghiệp. Đại diện Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Mih cho biết, trên địa bàn thành phố hiện thực hiện nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, nên việc xây dựng các nhà lưới, nhà kho, nhà nuôi yến trên ruộng có vai trò quan trọng. Do vậy, cần rà soát các quy định liên quan để quy định rõ việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được coi là đất nông nghiệp, không phải đất ở, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị. Nhất trí với đề xuất này, đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị xem xét, đề cập tại dự thảo Luật vấn đề phát triển đất nông nghiệp đô thị. 
 
Một số ý kiến cho rằng, những dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện được nên tạo điều kiện để người dân sử dụng đất phục vụ sinh hoạt và sản xuất; nhất trí quan điểm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;  cần quy định cụ thể, đầy đủ hơn về thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tiếp tục duy trì quy định về quyền sử dụng đất của hộ gia đình…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến đóng góp mang tính tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn cao để Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Quốc hội về xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi dự thảo Luật cần không gây ách tắc trong thực hiện, không tạo lỗ hổng để thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai luật, đảm bảo sự phù hợp, tương thích với các luật khác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về đất đai.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia lấy ý kiến về dự án luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu về dự án luật nhằm hoàn thiện dự thảo, tạo sự đồng thuận trong xã hội./.
 
Ngọc Bích
 
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm »