(sav.gov.vn) - Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 02/2023, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 9.932 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 9.132 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 739 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 49.726 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 46.186 tỷ đồng (15,7% kế hoạch), trả nợ cho vay lại khoảng 3.540 tỷ đồng (10,4% kế hoạch).
Tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ 2 tháng đầu năm 2023 là 69.427 tỷ đồng, tương đương 17,36% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng).
Về huy động vốn vay trong nước của Chính phủ, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành tháng 02/2023 là 36.595 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm 2023 đến hết tháng 2/2023 là 69.427 tỷ đồng, tương đương 64,28% kế hoạch Quý I/2023 (108.000 tỷ đồng) và 17,36% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng).
Trong tháng 02/2023, Chính phủ thực hiện ký kết 02 hiệp định vay nước ngoài với IFAD với tổng trị giá ký kết khoảng 43 triệu USD.
Tổng vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ trong tháng 2 tính đến 20/02/2023 đạt 35.310 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng vay trong nước và nước ngoài đạt 73.032 tỷ đồng (bằng 11,3% kế hoạch được phê duyệt), trong đó vay cho ngân sách Trung ương (NSTW) khoảng 70.348 tỷ đồng (bằng 11,3% kế hoạch), vay về cho vay lại khoảng 2.684 tỷ đồng (đạt 11,4% kế hoạch)
Về công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, trong tháng 2/2023 đã tổ chức 03 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP), huy động được 34.460 tỷ đồng. Từ đầu năm tới cuối tháng 2/2023, tổng khối lượng huy động là 67.292 tỷ đồng, đạt 16,82% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 62,3% kế hoạch Quý I/2023 (108.000 tỷ đồng), toàn bộ TPCP phát hành có kỳ hạn 05 năm trở lên, trong đó Bảo hiểm xã hội mua 20.278 tỷ đồng, tương đương 30% tổng khối lượng TPCP phát hành; các nhà đầu tư khác mua 47.014 tỷ đồng, tương đương 70% khối lượng TPCP phát hành. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,31 năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,22 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 4,37%/năm.
Được biết, trong năm 2023. Chính phủ dự kiến huy động vốn vay ở mức 644.515 tỷ đồng thông qua “kênh” phát hành TPCP; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… Trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt.
Về giải pháp tăng cường quản lý nợ công, Chính phủ nhấn mạnh sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách. Sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm. Tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, áp dụng chính sách tài khoá linh hoạt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần tăng thu ngân sách để trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ, giảm áp lực trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong trung và dài hạn.
Trong giai đoạn 2022-2023, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.927 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117 nghìn tỷ đồng.
Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1.116 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145 nghìn tỷ đồng.
Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương: khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, theo đó bội chi ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2024 khoảng 0,3% GDP hàng năm./.
Khánh Vy