Khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng
Buổi sáng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Tòa án, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cần đánh giá đúng thực trạng giải quyết các vụ án tham nhũng hiện nay. Đồng thời, đưa ra giải pháp chú trọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, để tạo sự chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tòa án mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, năm 2017, lần đầu tiên hệ thống Tòa án Nhân dân tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng xét xử với thành phần tham dự bao gồm Chánh án Tòa án Nhân dân, Tòa án quân sự các cấp để thảo luận và thống nhất thông qua 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử.
Trong 5 năm 2018-2022, các Tòa án đã thụ lý 38.783 vụ; giải quyết, xét xử được 35.561 vụ án hành chính. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; khắc phục việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật; tăng cường đối thoại trong quá trình giải quyết để nâng cao tỷ lệ các vụ án được đối thoại thành, góp phần giải quyết triệt để các tranh chấp làm phát sinh kiếu kiện các vụ án hành chính….
Nhấn mạnh việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong 5 năm qua, các Tòa án đã thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; đã giải quyết, xét xử được 12.244 vụ với 25.144 bị cáo; trong đó, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”... Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại; xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp và nhiều ĐBQH quan tâm về việc thực hiện chính sách pháp luật về thi hành ánh và thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, các ĐBQH chỉ ra rằng, trong thời gian qua việc thu hồi tài sản dẫn vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân. Do đó, các ĐBQH đề nghị thời gian tới Chánh án TANDTC phối hợp với các cơ quan liên quan để mà thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân.
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang nêu rõ, báo cáo của Ngành cho biết một trong những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng về một số vấn đề do quy định của pháp luật còn chưa thống nhất. Đại biểu đề nghị Chánh án TANDTC cho biết giải pháp căn cơ nhất để khắc phục những hạn chế liên quan đến vấn đề này?
Cũng tại phiên họp, đại biểu Bùi Mạnh Khoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, tham nhũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ghi nhận. Qua theo dõi, hiện nay một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi sản vẫn chậm. Nguyên nhân được cho là vướng mắc trong xử lý tài sản chung, tài sản riêng, đây được coi là một điểm nghẽn. Đại biểu đề nghị Chánh án TANDTC cho biết quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này, đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp cho biết quan điểm, hướng xử lý về vấn đề trên?
Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn trong việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng. Cụ thể, quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các Tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, việc giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; về tạm ứng chi phí phá sản, chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, về giải quyết việc đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc liên quan vụ việc phá sản…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, về tăng cường thu tài sản tham nhũng, trên thế giới cũng như Việt Nam việc thu không hoàn toàn triệt để. Theo tổng kết 10 năm chúng ta thu được 40% số tài sản tham nhũng, đây là con số rất đáng ghi nhận, biểu dương của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để nâng cao hơn nữa, chỉ thu hồi những tài sản tham nhũng nếu quá trình tố tụng các cơ quan chứng minh được tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, muốn thu hồi được thì công tác chứng minh phải rất chất lượng, do đó nâng cao chất lượng điều tra và kịp thời phong tỏa tài sản. Trên thế giới có cơ chế thu hồi tài sản của nghi can tham nhũng mà không giải trình được nguồn gốc, nếu làm được điều này có thể tăng cao hơn nữa tỉ lệ thu hồi.
Cũng tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng còn một số tồn tại, hạn chế. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cần tăng cường bám sát, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào các vụ án lớn đang được xã hội quan tâm, thường xuyên báo cáo Chính phủ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan dân cử, Đoàn ĐBQH tăng cường quá trình giám sát để tập trung vào việc này; hạn chế tẩu tán, dấu các tài sản tại các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế.
Cần có những giải pháp cụ thể để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ
Buổi chiều, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí cho biết, Ngành với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với Cơ quan điều tra các cấp trong Công an Nhân dân và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra; đồng thời có chức năng trực tiếp điều tra 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp nên hoạt động kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra của Viện KSND các cấp chiếm hơn 1/2 khối lượng công tác nghiệp vụ như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, nhưng hiện nay ngành Kiểm sát thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không được thực hiện theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội nên đây cũng là một khó khăn lớn trong hoạt động của Ngành.
Cùng với những khó khăn, áp lực trên thì yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, yêu cầu pháp luật về bảo vệ con người ngày càng cao, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có thể bị xử lý hình sự nếu để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm càng tạo áp lực lớn đến tâm lý của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay, đây là những khó khăn, thách thức đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, hơn nhiệm kỳ qua, Viện xác định phương châm hoạt động của toàn Ngành là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, Kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời chỉ đạo quán triệt và tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát viên là phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đây vừa là phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp và là phương pháp công tác mà yêu cầu mỗi Kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng Ngành, đơn vị các cấp kiểm sát; xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp kiểm sát cả trong công tác Đảng và trong chuyên môn nghiệp vụ.
Đối với những vấn đề lớn của Ngành cần có chủ trương, nhất là trong công tác cán bộ, Viện trưởng luôn đưa ra bàn bạc trong Ban Cán sự đảng để thống nhất ban hành Nghị quyết, từ đó ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo, Viện trưởng luôn tuân thủ các nguyên tắc của đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời có chính kiến, quyết đoán trong chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm.
Đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Viện trưởng Viện KSND tối cao yêu cầu Viện KSND các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, thông qua giải quyết các vụ án thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, Ngành Kiểm sát đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời khởi tố, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ ra rằng, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là lĩnh vực y tế và tham nhũng. Đại biểu đề nghị Viện trưởng VKSNDTC có giải pháp hữu hiệu nào nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm quy định của pháp luật, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết giải pháp cụ thể trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và một số biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Viện trưởng Viện KSNDTC chỉ rõ, về giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành. Dưới góc độ của ngành Kiểm sát, Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, Nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật động bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác; cần tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe…
Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý Nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác. Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ các cấp mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn, cần nghiên cứu lộ trình, giải pháp để đảm bảo chế độ để cán bộ yên tâm công tác, giữ gìn sự trong sáng, đạo đức nghề nghiệp.
Về nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng cơ quan kiểm soát không trực tiếp có chức năng tuyên truyền pháp luật, mà hướng tới hiệu quả giáo dục pháp luật thông qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan có liên quan trong nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho biết, Ngành kiểm sát thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra” ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện 07 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phúc cung trong giai đoạn truy tố để thẩm định, đánh giá chứng cứ; bảo đảm yêu cầu không để xảy ra oan, lọt hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra phân loại, phân hóa sâu đối với bị can và các đối tượng có liên quan, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; chứng minh đúng bản chất vụ án; bảo đảm công bằng, nhân văn trong xử lý, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Chú trọng phát hiện những bất cập, sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm; yêu cầu tăng cường ban hành kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành.
Đặc biệt, đối với tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tăng cường kiến nghị cơ quan, đơn vị kiểm tra, thanh tra để phát hiện xử lý vi phạm từ sớm, từ xa, không để sai phạm tích tụ từ nhỏ thành lớn, lặp lại có hệ thống, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm, như đất đai, quản lý ngân sách, vốn, tài sản công; tài chính, ngân hàng...
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có kết luận cụ thể, UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong Nghị quyết này, yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Trong công tác xét xử, đề nghị Chánh án TANDTC tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định.
Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tham nhũng chức vụ. Theo đó, nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, có hành vi khoan hồng theo quy định của pháp luật đối với những người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra.
Xét xử giải quyết các vụ án dân sự, hành chính bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết triệt để hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 để đề xuất bổ sung, sửa đổi nếu thấy cần thiết. Phối hợp với các cơ quan hữu quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, nhất là về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp không cung cấp tài liệu, chứng cứ, không hợp tác với Tòa án, chỉ định quản tài viên, việc thực hiện trách nhiệm của quản tài viên, xác định mức tạm ứng chi phí phá sản… Khẩn trương tổng kết thực hiện thi hành Luật Phá sản và báo cáo kết quả UBTVQH trong năm 2023, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân, cơ quan tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí cho xã hội, tăng hiệu quả giải quyết đối với một số loại án, nhất là án hành chính; chỉ đạo các Tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân về ý nghĩa của phiên tòa trực tuyến.
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, chấp hành nghiêm thời gian tố tụng, khắc phục triệt để việc xảy ra một số trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hiện quyền công tố; nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm soát viên tại tòa án, tại các tại các phiên tòa, nhất là tại các Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mọi quyết định phê chuẩn việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ, điều kiện theo Luật định; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của các biện pháp ngăn chặn đã áp dụng; kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án gây bức xúc trong dư luận xảy ra thời gian gần đây trong các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, đăng kiểm, tín dụng đen, mua bán người, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng… Qua đó chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường trách nhiệm của Viện KSNDTC trong kiểm sát hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không cụ thể, không rõ ràng, vượt quá thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, kéo dài việc giám định, định giá. Chủ động rà soát, yêu cầu cơ quan điều tra tích cực xác minh các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, nhất là những trường hợp sắp hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự để phục hồi điều tra ngay khi có căn cứ, tránh bỏ lọt tội phạm. Báo cáo Quốc hội về nội dung này trong báo cáo công tác hằng năm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện KSNDTC tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, nhất là do lỗi chủ quan của các Kiểm sát viên yêu cầu trả hồ sơ, yêu cầu khởi tố tội phạm mới và khởi tố người phạm tội mới. Tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra Viện KSNDTC, kịp thời phát hiện, điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền theo luật định, nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về một số công tác khác thuộc lĩnh vực của Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm; chú trọng phát hiện oan, sai để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; cần đẩy nhanh việc bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người làm oan theo quy định của pháp luật.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các vụ án, trên cơ sở tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, nhất là phối hợp trong công tác giám định, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả giải quyết. Tiếp tục có các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, chất lượng kiểm sát việc giải quyết các án hành chính và kiểm sát thi hành án hành chính, như là tăng cường xét xử trực tuyến, tăng cường năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án và Viện Kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực uy tín, liêm chính để thực sự chuyên nghiệp, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất chính sách cụ thể để thu hút các chuyên gia về công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát. Cần chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm và giải quyết các vụ án có tính chất đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp đối với người chưa thành niên. Đối với lĩnh vực này là có 2 yêu cầu: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Kiểm sát và Tòa án để tương thích với những vấn đề có tính chất đặc thù này.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước đối với các biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ Tòa án và Viện kiểm sát. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chú trọng đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.
Bên cạnh đó, TANDTC chú trọng công tác tổng kết thực tiễn xét xử, tăng cường phát triển án lệ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nhất là đối với các lĩnh vực còn ít án lệ. Tổng kết thực tiễn nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tư pháp, người chưa thành niên nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện KSNDTC khẩn trương hoàn thành việc rà soát các luật được giao theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành đầy đủ các quy định giám định quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp, chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, TANDTC, Viện KSNDTC và các Bộ, ngành tổng kết, đánh giá các vướng mắc, bất cập về giám định, định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về đất đai nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai để tạo sự đồng thuận của người dân ngay từ cấp cơ sở.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, thi hành nghiêm túc bản án hành chính để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy Nhà nước và quyền lợi ích hợp pháp của người được thi hành án; tăng cường phối hợp kịp thời, có ý kiến nhận xét, đánh giá đối với Thẩm phán và Kiểm sát viên; kiên quyết xử lý trách nhiệm người phải thi hành án nhưng chậm thi hành hoặc không thi hành.
Bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án và Viện kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ưu tiên bố trí kịp thời kinh phí để bảo đảm tổ chức phiên tòa trực tuyến một cách có hiệu quả và các đề án đã được phê duyệt.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở kết quả phiên chất vấn, Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội chủ trì, phối hợp với TANDTC, Viện KSNDTC, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo trình UBTVQH sớm xem xét, ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, UBTVQH đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp, các cam kết trước UBTVQH và các đại biểu Quốc hội, trước Nhân dân và cử tri cả nước. Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết và chủ động tổ chức các phiên giải trình theo lĩnh vực phụ trách. Các đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong hoạt động giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân./.
Hà Linh