Kiểm toán nhà nước tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành

22/03/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 22/3/2023 tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các đơn vị trực thuộc KTNN.

Toàn cảnh buổi tập huân

Buổi tập huấn tổ chức cho gần 600 Lãnh đạo, công chức của KTNN theo hình thức trực tuyến, kết nối Hội trường tại Trụ sở chính và KTNN các khu vực. Báo cáo viên buổi tập huấn là Thượng tá Đặng Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, Cục an ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.
 
Khai mạc buổi tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan Nhà nước luôn được quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới. Năm 2018, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tư, an toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước; bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
 
Để nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Nhà nước về các công tác này, KTNN tổ chức Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho Lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị trong Ngành về các văn bản, chính sách pháp luật của Nhà nước và và một số kinh nghiệm thực tiễn khi triển khai công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và an ninh mạng. 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề nghị các học viên tham dự dự Lớp tập huấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các nội dung tập huấn theo các chuyên đề; thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ quan đơn vị, để được giải đáp.
 
Tại hội nghị, báo cáo viên, Thượng tá Đặng Hồng Nhung đã truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ bảo vệ bí mật Nhà nước và các bản hướng dẫn thi hành; tình hình, thực trạng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; trao đổi, giải đáp những thắc mắc của các học viên.
 
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 Chương, 28 điều quy định về: Những quy định chung; Phạm vi, phân loại, ban hành danh mục bí mật Nhà nước; Hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước; Trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước; Trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước; Điều khoản thi hành.
 
Nhấn mạnh về các nguyên nhân lộ, mất bí mật Nhà nước, Thượng tá Đặng Hồng Nhung cho biết, qua công tác thực tế của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, Cục an ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, trên 70% nguyên nhân là qua các thiết bị thông tin, liên lạc, đặc biệt là máy tính và điện thoại di động. Các hình thức phổ biến là: Chuyển tài liệu qua email; đăng tải trên Website; công tác hợp tác quốc tế; hoạt động báo chí, xuất bản; hoạt động hội nghị, hội thảo; tiêu hủy tài liệu..
 
 Báo cáo viên - Thượng tá Đặng Hồng Nhung - Phó Trưởng phòng Quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, Cục an ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an

Thượng tá Đặng Hồng Nhung cho biết, các nội dung này quy định tại Điều 5 của Luật “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Đây là quy định mới, tiến bộ của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước so với Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước với mục đích nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, góp phần phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước và có căn cứ để xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật Nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước trái pháp luật; mang tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật Nhà nước, sử dụng bí mật Nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật Nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; truyền đưa bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật Nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật Nhà nước; sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; đăng tải, phát tán bí mật Nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Thượng tá Đặng Hồng Nhung giải thích rõ, mạng máy tính theo quy định trên được hiểu là sự kết hợp giữa các máy tính với nhau thông qua các thiết bị kết nối mạng bằng nhiều phương thức (không dây, có dây) ở nhiều quy mô như “mạng cục bộ” trong một phòng làm việc, một tòa nhà, một khu vực cơ quan (LAN); “mạng đô thị” có quy mô lớn hơn mạng cục bộ có thể có phạm vi vài km, trong nhiều khu vực ở thành phố (MAN) và cũng có thể là “mạng diện rộng” dùng trong vùng địa lý lớn phạm vi nhiều tỉnh, thành phố hoặc cả một quốc gia (WAN).

Thực tế việc sử dụng máy tính hoặc thiết bị khác kết nối với mạng máy tính, mạng viễn thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, mất bí mật Nhà nước như bị lây nhiễm các biến thể mã độc thuộc nhiều dòng virus khác nhau (Trojan,Worm, Hacktool…) thường xuyên kết nối tới máy chủ điều khiển đặt tại nước ngoài. Với thực trạng trên, việc soạn thảo, lưu giữ bí mật Nhà nước trên các thiết bị có kết nối mạng hoặc gửi, nhận, truyền đưa bí mật Nhà nước trên hệ thống mạng không được bảo vệ bằng mã hóa cơ yếu sẽ tiềm ẩn rất lớn nguy cơ lộ, mất bí mật Nhà nước.
 
Tại buổi tập huấn, các học viên cũng đã được giới thiệu một số nội dung cơ bản của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước:  Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; Quy chế, nội quy bảo vệ bí mật Nhà nước của các cơ quan, tổ chức, địa phương; 35 danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »