(sav.gov.vn) – Chiều 22/3/2023, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi ngân sách địa phương lĩnh vực kinh tế” do Ths. Nguyễn Thanh Phương và Ths. Đinh Thị Phương Thúy - KTNN khu vực IX đồng chủ nhiệm.
Quang cảnh buổi nghiệm thu
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán Trần Kim Lộc làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Báo cáo trước Hội đồng, Ths. Nguyễn Thanh Phương cho biết các khoản chi ngân sách Nhà nước (NSNN) được phân loại theo lĩnh vực tại mục lục NSNN, trong đó chi các hoạt động kinh tế phản ánh, hạch toán chi các hoạt động thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, giao thông, thủy lợi và các hoạt động kinh tế khác... Trong tổng số chi NSNN nói chung và chi NSNN của một địa phương nói riêng, chi các hoạt động kinh tế thường chiếm tỷ trọng lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ngân sách luôn phải chú trọng việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế gắn với kế hoạch tài chính chi hoạt động kinh tế cụ thể. Chính vì vậy, kiểm toán chi hoạt động kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), là một trong những nội dung kiểm toán trọng yếu trong kiểm toán hoạt động NSĐP.
Thời gian qua, KTNN đã tổ chức thực hiện đa dạng các loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Đối với NSĐP, KTNN đã ban hành hướng dẫn xây dựng mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện năm 2015 theo Công văn số 454/KTNN-TH ngày 27/4/2016 và tổ chức nhiều cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện. Các cuộc kiểm toán này đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên việc nội dung kiểm toán rộng, bao quát toàn diện cả thu lẫn chi ngân sách, niên độ ngân sách được kiểm toán chỉ là một năm, nên nhiều vấn đề chưa được giải quyết một cách đầy đủ, xác đáng như kỳ vọng ban đầu.
Ths. Nguyễn Thanh Phương cho biết, đề tài “Xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế” được tổ chức nghiên cứu nhằm hệ thống hoá những vấn đề lý luận về kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP, trên cơ sở hướng dẫn kiểm toán do KTNN đã ban hành; đánh giá thực trạng công tác kiểm toán hoạt động công tác quản lý, sử dụng chi NSĐP trong thời gian qua tại các địa phương do KTNN khu vực IX phụ trách.
Trên cơ sở đó, xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế; đề xuất một số giải pháp để tổ chức kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế; điều kiện và lộ trình thực hiện.
Đề tài nghiên cứu kết cấu gồm 02 chương: Chương 1 - Một số vấn đề cơ bản và thực trạng kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế; Chương 2 - Giải pháp xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài đã xác định được mục tiêu, đối tượng, phương pháp và phạm vi nghiên cứu, về cơ bản phù hợp với mục tiêu, nội dung của thực tiễn công tác kiểm toán của KTNN. Sự nghiên cứu của đề tài là cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đối với KTNN hiện nay là cần phải nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đề từ đó nâng cao chất lượng hiệu lực hiệu quả của công tác kiểm toán.
Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị Ban đề tài cần nghiên cứu, cần bổ sung thêm nội dung nghiên cứu thực trạng kiểm toán hoạt động lĩnh vực NSĐP, từ đó nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế. Về phạm vi nghiên cứu cần nêu rõ: Nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động công tác quản lý và sử dụng chi NSĐP lĩnh vực kinh tế, từ đó đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động theo nội dung đề cương nghiên cứu. Ngoài ra, Ban đề tài cần bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến quan điểm định hướng, phương pháp tiếp cận… để đảm bảo tính khoa học, logic của đề tài.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Trần Kim Lộc đánh giá cao Ban đề tài trong công tác tổ chức nghiên cứu đề tài. Đồng thời đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng, chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài và gửi về Văn phòng Hội đồng khoa học trong 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu.
Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá./.
Thanh Trang