(sav.gov.vn) – Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 06/4/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị đã thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 30 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 09 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 05 Điều và bỏ 03 Điều. Đồng thời bãi bỏ 02 Điều của Luật Công nghệ thông tin; sửa đổi 01 ngành nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư; sửa đổi 01 tên phí thuộc Danh mục Phí, Lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; thay thế cụm từ “chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại Điều 49 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và thay thế cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng” bằng cụm từ “hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ” tại khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử.
Qua thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH cho rằng, việc ban hành dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật của nước ta.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, thực tế hiện nay, chỉ một số lĩnh vực, thủ tục đã được thực hiện giao dịch điện tử; nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành, con người trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu kiến nghị cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật; đồng thời cần thí điểm một số lĩnh vực trước khi đưa vào luật chuyên ngành. “Trường hợp Luật chuyên ngành không quy định giao dịch bằng phương thức điện tử như quy định tại Điều 1 thì trong Điều 2 cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng và các trường hợp loại trừ ngay trong đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, bao quát trong thực tiễn” – đại biểu Ngọc Xuân nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, cần nghiên cứu quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, làm rõ khái niệm “chứng thực” để có sự phân biệt rõ ràng với các trường hợp khác được sử dụng trong các văn bản khác.
Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định: “Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Trường hợp Luật khác không quy định thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó.” Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “điện tử” sau cụm từ “giao dịch” để đảm bảo đầy đủ, thống nhất.
Liên quan đến nội dung chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu rõ, công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước hoặc những người khác khi được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các hoạt động của đời sống xã hội. Chữ kí chuyên dùng, công vụ là chữ kí của những người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, giao dịch công vụ đều tác động ảnh hưởng lớn đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Do đó, cần phải được quản lý, cung cấp chặt chẽ, bảo mật, không nên giao cho các tổ chức bên ngoài, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ mất an ninh, an toàn cho hệ thống chính trị. Vấn đề này cần được lưu ý đặc biệt và cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định thật rõ trong dự thảo Luật.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Ban Cơ yếu Chính phủ.
Theo đại biểu, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội các vấn đề liên quan đến quốc phòng và an ninh của tất cả các dự án Luật. Dự thảo Luật quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (dự kiến trong dự thảo Luật được chỉnh lý thành Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ).
Trong Báo cáo thẩm tra khẳng định, hầu hết các giao dịch điện tử liên quan đến chữ ký số chuyên dùng Chính phủ không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước. Như vậy, vẫn còn một phần nào đó liên quan đến bí mật Nhà nước. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung thêm: Nếu thống nhất đưa về quản lý Nhà nước thì cần làm rõ lâu nay việc thực hiện Luật Giao dịch điện tử có dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ hay không?
Cho rằng đây là một Luật chuyên ngành rất sâu, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu ý kiến cần làm rõ thêm, vì lâu nay Ban Cơ yếu Chính phủ đã thực hiện chữ ký số chuyên dùng được mã hoá thì có để xảy ra vấn đề gì liên quan đến quốc phòng và an ninh, gây ra hậu quả gì hay không? “Nếu thống nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, không giao Ban Cơ yếu Chính phủ thì cần tách bạch rất rõ Ban Cơ yếu Chính phủ làm gì trong phạm vi của Luật này. Đề nghị cần đánh giá kỹ vấn đề này để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Luật. Ngoài ra, vấn đề bảo đảm mã hoá, bảo mật, chống giả mạo liên quan đến quốc phòng, an ninh cũng cần được đánh giá sâu, kỹ để tạo sự đồng thuận trong ý kiến của các đại biểu Quốc hội” – đại biểu nêu ý kiến.
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, trong thời gian tới, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, chú trọng rà soát ngôn ngữ diễn đạt cho trong sáng, đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ về các vấn đề nếu có, để Chính phủ có ý kiến chính thức báo cáo UBTVQH trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5./.
M. Thúy