Hội nghị sơ kết và ký Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông

28/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 27/4/2023, tại thành phố Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết và ký quy chế phối hợp công tác (QCPHCT) với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND) 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và lãnh đạo các địa phương ký Quy chế phối hợp công tác

Dự hội nghị có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ; Thủ trưởng các đơn vị tham mưu của KTNN; Lãnh đạo, công chức, người lao động của KTNN khu vực XII.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa.

Về phía tỉnh Gia Lai có: Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long.

Về phía tỉnh Kon Tum có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang; Chủ tịch HĐND tỉnh Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh U Huấn.

Về phía tỉnh Đắk Nông có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Chiến.

Tham dự hội nghị còn có các Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND; đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện QCPHCT giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII Phạm Văn Học cho biết, trong hơn 10 năm thực hiện QCPHCT, mối quan hệ giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN; trong tổ chức các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN) tại các địa phương theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, KTNN khu vực XII đã phối hợp chặt chẽ với 4 tỉnh trong công tác khảo sát, thu thập thông tin về danh mục đầu mối kiểm toán, nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán theo định hướng của KTNN. Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh luôn quan tâm phối hợp đề xuất các đầu mối dự án, đơn vị, chủ đề kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của HĐND; chỉ đạo các cơ quan tổng hợp và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán. Việc phối hợp, trao đổi ý kiến về đầu mối kiểm toán giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND 4 tỉnh và cơ quan thanh tra đã góp phần hạn chế chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát nội bộ của địa phương.
 

Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII Phạm Văn Học trình bày báo cáo tại hội nghị

Trong phối hợp thực hiện triển khai kế hoạch kiểm toán, KTNN khu vực XII đã phối hợp với UBND 4 tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định kiểm toán; thông báo kế hoạch chi tiết về đơn vị được kiểm toán và nhân sự từng Tổ kiểm toán; những vấn đề cần lưu ý làm rõ trong quá trình kiểm toán; kết hợp phổ biến về Luật KTNN; quy trình lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán; Lãnh đạo UBND, HĐND tỉnh quan tâm, giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phản ánh những hành vi tiêu cực nếu có để KTNN kịp thời có biện pháp xử lý.

Trong quá trình kiểm toán, Lãnh đạo 4 tỉnh luôn phối hợp kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm toán thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo kế hoạch được giao; các đơn vị có liên quan thường xuyên quan tâm, nắm bắt thông tin về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo cung cấp hồ sơ tài liệu, kịp thời giải trình, đảm bảo cho hoạt động của Đoàn kiểm toán được thực hiện theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, KTNN khu vực XII luôn trao đổi với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh về tiến độ kiểm toán; những vướng mắc phát sinh, cùng phối hợp xử lý có hiệu quả; tổ chức hội nghị thông qua kết quả kiểm toán với sự tham dự của Lãnh đạo KTNN, đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND, Thường trực HĐND tỉnh, cùng thảo luận về kết quả kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
Lãnh đạo 4 tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra của KTNN khu vực XII thực hiện công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.  
 
Hàng năm, thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh luôn kịp thời gửi KTNN dự toán NSĐP; Báo cáo quyết toán NSĐP; các Nghị quyết của HĐND; các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành... giúp KTNN nắm được những chính sách cụ thể liên quan đến quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán.

HĐND các tỉnh đã gửi kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị của KTNN đến đại biểu HĐND nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao hoạt động giám sát của HĐND về lĩnh vực tài chính, ngân sách; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đánh giá các mặt làm được, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong việc lập và phân bổ dự toán, công tác quản lý, điều hành NSNN, công tác khóa sổ lập báo cáo quyết toán NSNN. Những ý kiến đánh giá, kết luận, kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là cơ sở quan trọng để HĐND xem xét phê chuẩn Báo cáo quyết toán NSNN. Bên cạnh đó, KTNN đã đề xuất kiến nghị các giải pháp, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của từng địa phương.
 
Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh và KTNN đã phối hợp tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND, nhằm sử dụng tốt thông tin của Báo cáo kiểm toán, kết hợp việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của KTNN.

KTNN luôn tham gia, góp ý bằng văn bản đối với các dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan do Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh tổ chức như: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2015; Luật Quản lý thuế; Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi); Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật …  
 
Đánh giá về những mặt làm được của QCPHCT, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII cho biết, trên cơ sở phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp, trách nhiệm của từng cơ quan đã được xác định cụ thể trong Quy chế, qua quá trình thực tế thực hiện cho thấy việc ban hành Quy chế phối hợp giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh là cần thiết; các nội dung phối hợp là thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị, cơ bản đã được triển khai thực hiện đầy đủ. Kết quả đạt được của hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của các Bên. Hàng năm thông qua hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương, KTNN đã tư vấn và giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lập dự toán ngân sách; phòng chống tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước. Đồng thời với sự phối hợp tích cực và hiệu quả của HĐND, UBND các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội giao.
 
Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện QCPHCT giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh còn một số hạn chế: 

Chưa tổ chức thường xuyên việc đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện QCPHCT và kịp thời chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy chế sát với yêu cầu, nhiệm vụ để đề ra giải pháp thực hiện cụ thể, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Để phục vụ cho việc giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, Thường trực HĐND các tỉnh chưa có nhiều đề xuất về nội dung, đơn vị trong việc phối hợp với KTNN lập kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Việc trao đổi thông tin giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh có lúc chưa được kịp thời, vì vậy đã làm giảm tính thời sự và hiệu quả của việc sử dụng thông tin.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, mặc dù UBND các tỉnh đã nỗ lực trong việc chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ kiến nghị chưa được thực hiện triệt để. Theo Báo cáo kiểm tra kết luận, kiến nghị năm 2022, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk đạt 76,27% (xử lý khác đạt 71,35%), Gia Lai đạt 80% (xử lý khác đạt 88%), Kon Tum  77% và Đắk Nông đạt 73,2%.

Khi đơn vị đề nghị KTNN khu vực cung cấp thông tin kết quả kiểm toán và các thông tin khác liên quan đến hoạt động kiểm toán, do hồ sơ kiểm toán được bảo quản và khai thác theo quy định của Luật KTNN, vì vậy KTNN khu vực phải báo cáo và xin ý kiến của Tổng Kiểm toán nhà nước dẫn đến chậm trễ trong việc trả lời ý kiến của đơn vị.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã có ý kiến phát biểu tham luận về quá trình hơn 10 năm thực hiện QCPHCT giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh.

Các ý kiến đều đánh giá cao quá trình thực hiện QCPHCT với KTNN, đạt được nhiều kết quả thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, hạn chế được sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại địa phương; từng bước góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị.

Lãnh đạo 4 tỉnh đề nghị đề nghị KTNN tiếp tục tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin nghiệp vụ, thông tin chuyên đề, chuyên sâu, nhất là ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước nhạy cảm như: Bảo vệ tài nguyên, môi trường, khoáng sản, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất đai, xử lý các dự án chậm tiến độ, quản lý sử dụng tài sản công, … để giúp 4 địa phương khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý Nhà nước và phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính, tài nguyên, tài sản công.

KTNN quan tâm, hỗ trợ Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh triển khai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tài chính - ngân sách cho các đại biểu dân cử và các cấp chính quyền để đảm bảo quá trình vận hành, giám sát hoạt động tài chính - ngân sách đạt hiệu quả cao nhất.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu KTNN khu vực XII, các Vụ chức năng của KTNN nâng cao chất lượng công tác thảo luận, thẩm tra, xây dựng Báo cáo kiểm toán về dự toán ngân sách 4 tỉnh hàng năm; tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, đầy đủ của Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước; phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành NSNN để kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện từ cơ chế chính sách đến tổ chức quản lý, thực hiện, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm; lựa chọn, bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác; chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương khác về các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cũng như những sai sót được phát hiện qua kiểm toán để các tỉnh tham khảo trong quá trình thực hiện.

Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Chủ tịch HĐND, UBND 4 tỉnh Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc yêu cầu, giao nhiệm vụ kiểm toán hàng năm cho KTNN khu vực XII thực hiện kiểm toán việc thực hiện các đề án, chương trình, dự án quan trọng của địa phương; các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quan tâm tại địa phương; phục vụ HĐND trong giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán; giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán trên địa bàn, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm toán; chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng để kịp thời xử lý; phối hợp rà soát, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện. “4 tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp tốt hơn nữa với KTNN trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán theo hướng “gọn, chất”, giảm đầu mối kiểm toán; tăng cường lồng ghép, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và của HĐND, UBND theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Tại hội nghị, KTNN đã tiến hành ký QCPHCT giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông trên cơ sở sửa đổi, bổ sung QCPHCT đã ký kết vào năm 2021 để phù hợp với các quy định và tình hình mới, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật KTNN sửa đổi bổ sung; giảm thiểu sự trùng lắp về kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa phương.

Nội dung phối hợp trong QCPHCT được ký mới trong các mặt công tác: Xây dựng kế hoạch kiểm toán; thực hiện kiểm toán; thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước; giám sát, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND 4 tỉnh; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN, của HĐND và UBND 4 tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Tại hội nghị này, KTNN đã trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho 13 đồng chí là Lãnh đạo của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN trong công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn./.

Khánh Vy

Xem thêm »