Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước có phương án xử lý dứt điểm một số dự án thua lỗ trong tháng 5/2023

09/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc.

Dự án gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 là một trong ba dự án được Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023 kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hoạt động của Ủy ban theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản 1200/VPCP-ĐMDN ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm, nhất là các vấn đề đã có thời hạn yêu cầu trình Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, trong đó, phải hoàn thành xử lý dứt điểm trong tháng 5/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, doanh nghiệp: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, dự án nhà máy gang thép Lào Cai, dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tuyển chọn công khai, minh bạch để tìm được người tài, nghiên cứu chế độ, chính sách cho phù hợp với quy định, quy chế của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khẩn trương phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành trước ngày 30/5/2023.

Chỉ thị nêu rõ: Ủy ban QLVNN tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc, góp phần phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương và đóng góp ngày một tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, khẩn trương giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị các Bộ, ngành hoặc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vấn đề phát sinh mới.  

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc Ủy ban tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú trọng việc đổi mới mô hình quản trị kinh doanh theo hướng hiện đại, thích ứng với điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ; nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi.

Các bộ, cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp Nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực nhằm phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước; khẩn trương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội.

Tích cực, kịp thời phối hợp với Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trực thuộc để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất,... của doanh nghiệp; đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp; trước mắt, tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề theo kiến nghị của Ủy ban và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước.
 
Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội dự án Luật sửa đổi căn bản, toàn diện Luật số 69/2014/QH13 theo kết luận của UBTVQH và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 2738/VPCP-PL ngày 21/4/2023; phấn đấu trình Quốc hội thông qua và ban hành tại kỳ họp tháng 10/2023; nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý 2/2023.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách riêng để phát triển một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý 4/2023.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »