Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến kiến nghị của cử tri

10/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 10/5/2023, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tham gia ý kiến dự thảo Báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2023.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… 

Cử tri và Nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính… 

Phản ánh về những băn khoăn lo lắng của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm; kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu, thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của người dân... gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tại phiên họp

Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),  dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)…  và quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.

Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân theo dõi và bày tỏ sự quan tâm về các chuyến thăm ngoại giao của Quốc hội Việt Nam đến do Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn tại 03 nước Mỹ Latin; bày tỏ sự quan tâm và nhất trí cao với chương trình, nội dung Kỳ họp thứ Năm, nhất là nội dung xem xét, cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây; vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp…

Trong kỳ báo cáo, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2588/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV (đạt 99,9%). 

Trong tháng 4/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 3/2023. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 486 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua tiếp công dân, đã chuyển 66 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 16 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 392 vụ việc…

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH cơ bản tán thành nội dung dự thảo báo cáo, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan. Các báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy sự chuẩn bị công phu, đã tổng hợp tư liệu, số liệu, xâu chuỗi nhiều kết quả, sự kiện và vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.
 
Quang cảnh phiên họp

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới ghi nhận các báo cáo đã phản ánh chính xác tình hình tội phạm lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi, lừa đảo qua mạng khiến người dân bị thiệt hại tài sản. Tuy nhiên, ông Lê Tấn Tới đề nghị cân nhắc khi đưa ra nhận định “tội phạm lừa đảo gây hệ quả khó lường cho xã hội” trong báo cáo, thay vào đó có thể sửa thành “gây hậu quả nghiêm trọng xã hội” để phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm gây ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải rà soát, cân nhắc để thể hiện rõ được đây thực sự là tiếng nói của cử tri và Nhân dân, mọi sự kiện, số liệu đưa ra đều phải mang tính điển hình, tránh đưa vào những nội dung đã cũ; rà soát, sắp xếp bố cục sao cho mạch lạc và lô gíc về nội dung. Khi đề cập đến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong báo cáo, chỉ cần nêu nội dung vấn đề để cử tri và Nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Đối với các kiến nghị, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị nên bổ sung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới để các ngành, các cấp và địa phương, Nhân dân có sự chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, các báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện phải thật sự khách quan, có trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề “sát sườn” mà cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn ý kiến của nhân dân trong cách dùng từ, biểu đạt các nội dung mà nhân dân quan tâm, phản ánh rõ nét tâm tư, nguyện vọng của người dân. 

Quan tâm đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây hạn hán nghiêm trọng, trong khi ngành nông nghiệp nước ta chủ yếu tập trung nhiều ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng nhu cầu sử dụng nước chưa được xem xét, đánh giá nhiều trong các báo cáo. Qua tiếp xúc cử tri, các ý kiến đều nêu rõ, trong bối cảnh hiện tượng nóng lên bất thường trong năm nay, các nguồn nước đang cạn kiệt, nhất là nguồn nước ngầm đang bị thiếu hụt nghiêm quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị điều này cần được phản ánh, đề cập, thể hiện trong báo cáo để làm rõ hơn các mặt đời sống của người dân vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chính phủ cũng đã có đề xuất với Quốc hội về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. “Vậy, thời gian thực hiện Chương trình này đến nay thế nào để đảm bảo nguồn dự trữ nước cho các vùng khô cạn, hoặc do điều kiện tự nhiên mà khô hạn. Vì đến nay một số công trình thủy điện lớn của Tây nguyên đang chậm tiến độ do nhiều yếu tố như mặt bằng, phân bổ vốn... Đề nghị cần quan tâm hơn đến vấn đề này, gắn với việc bảo đảm điều kiện chống hạn hạn trong giai đoạn hiện hữu sắp tới” – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, UBTVQH đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các nội dung trong dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; tiếp thu các ý kiến đã phát biểu, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan đối chiếu rà soát số liệu bảo đảm chính xác và thống nhất; bổ sung các nội dung về giảm tốc độ tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phụ cấp cán bộ cơ sở trong lĩnh vực y tế và giáo dục, dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi… Đồng thời, đề nghị các cơ quan, ban ngành phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân nguyện để cung cấp thông tin để hoàn thiện báo cáo với chất lượng cao nhất./.

M. Thúy
 

Xem thêm »