Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; đại diện: Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Thị Hồng Hạnh tham dự phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Vũ Thị Lưu Mai cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trưởng về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban TC-NS phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Trên cơ sở bám sát các kết luận của UBTVQH, tổng hợp đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, các ý kiến tại nhiều phiên họp, hội nghị, hội thảo để cho ý kiến nhiều vòng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đến nay, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi) được chuẩn bị kỹ lưỡng với dung lượng hơn 90 trang.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Vũ Thị Lưu Mai đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về tính đầy đủ, bao quát, tính hợp lý, thuyết phục về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đề nghị tập trung thảo luận các nội dung đến nay còn ý kiến khác như: Nguyên tắc áp dụng pháp luật, về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Định giá và Hội đồng thẩm định giá, về việc quy định giá trần, giá sản đối với dịch vụ hàng không và về thời điểm có hiệu lực của Luật.
Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đều đánh giá cao và bày tỏ cơ bản tán thành với các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Các đại biểu cơ bản nhất trí với việc tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong Luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao UBTVQH xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giả để bảo đảm hợp lý, khả thi.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các đại biểu cho rằng bên cạnh việc tiếp tục duy trì quy định về Quỹ này trong Luật song cũng cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời gian hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.
Về thời gian hiệu lực của Luật, tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến đề xuất thời hạn hiệu lực là từ 1/1/2024. Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, công tác quản lý giá liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên phạm vi cả nước; các quy định tại Luật Giá (sửa đổi) thay đổi nhiều; công tác thẩm định giá của Nhà nước với các thay đổi về cơ chế triển khai cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện chuyên môn của các cấp thực hiện. Do đó, để đảm bảo tính khả thi trong khâu triển khai Luật, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính đề nghị cho quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi từ ngày 01/7/2024. Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu đề nghị cần có cân nhắc kĩ lưỡng và có thuyết minh rõ ràng, thuyết phục về việc lùi thời điểm của hiệu lực của Luật.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại phiên họp
Cũng tại phiên họp, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến quy định về giá dịch vụ hàng không. Nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và không quy định giá sàn đối với dịch vụ hàng không. Đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về thẩm định giá, quy định về tiêu chuẩn của thẩm định viên, quyền hạn trách nhiệm của các chủ thể liên quan...
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Vũ Thị Lưu Mai cho biết trên cơ sở ý kiến các đại biểu tại phiên họp, Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật.
Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật Giá với các luật có liên quan, kể cả các Luật đang trong quá trình sửa đổi để không tạo ra khoảng trống pháp lý.
Đa số các ý kiến cũng cơ bản nhất trí với việc quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định cụ thể trong Luật gồm 10 mặt hàng: Xăng dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng LPG; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt lợn; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, đề nghị cần có thêm quy định mở để tạo điều kiện cho các địa phương có sự chủ động trong việc tổ chức thực hiện.
Về Quỹ bình ổn giá, các đại biểu nhất trí cần bám sát kết luận của UBTVQH để thể hiện trong luật. Theo đó, duy trì Quỹ bình ổn giá xăng đầu đồng thời có các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Liên quan đến việc quy định giá dịch vụ hàng không, hiện nay còn có ý kiến khác nhau về việc quy định giá trần và giá sàn của dịch vụ hàng không. Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Vũ Thị Lưu Mai cho biết trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án bảo đảm khách quan, khả thi, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ cho người tiêu dùng, đồng thời hài hòa lợi ích các bên để xin ý kiến UBTVQH và Quốc hội về nội dung này./.
Ngọc Bích