(sav.gov.vn) - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại phiên họp thẩm tra, cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 do Ủy ban Tài chính-Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ nhiệm UBTCNS Phạm Thúy Chinh điều hành nội dung phiên họp. Cùng dự phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm và các thành viên UBTCNS của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan. Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp-Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Trung dự họp.
Tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với Báo cáo số 186/BC-CP ngày 05/5/2023 của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, các cơ quan đã tiếp tục hoàn thiện các báo cáo liên quan để tiến hành thẩm tra chính thức và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% vượt mục tiêu đề ra, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4%.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đều đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được 716,9 tỷ đồng.
Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các Bộ, ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Năm 2023, Chính phủ xác định chủ đề điều hành - “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách.
Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành.
Tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Nổi bật là công tác xây dựng thể chế, chất lượng các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, UBTVQH được nâng lên.
Thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN; tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều Bộ, ngành địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tp.Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương…
Các đại biểu cho rằng việc báo cáo kết quả cũng như việc tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có bước chuyển biến tích cực, nhận thức, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương được nâng lên sau khi Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phi giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá, phân tích về mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Đây cũng là tồn tại của các Bộ, ngành địa phương và chưa khắc phục đã được Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo.
Để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ thêm một số nội dung như việc thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm toán. Có đại biểu đề nghị cần lượng hóa các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm chống lãng phí để có cơ sở đánh giá hiệu quả đầu ra; có báo cáo số liệu kết quả cụ thể để các đại biểu dễ dàng nhận diện những chuyển biến của năm 2022.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phạm Thúy Chinh đề nghị Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo giúp cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH và ý kiến tại phiên họp để trình chính thức Quốc hội. Trong đó, đề nghị bổ sung làm rõ những tồn đọng, những việc chưa thực hiện nhất là chậm thi hành án; cần lượng hóa các chỉ tiêu trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội…
Theo Phó Chủ nhiệm Phạm Thúy Chinh, cần có đánh giá kĩ hơn việc chậm giải quyết thủ tục hành chính, tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm trong thực hiện công vụ. Đồng thời đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp để thống nhất trong các đánh giá về kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả của việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và các báo cáo khác liên quan, bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội./.
Phương Ngọc