Quốc hội xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri

27/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 26/5/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến đánh giá cao việc Quốc hội lần đầu tiên tổ chức thảo luận phiên họp toàn thể để xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri; cho rằng đây là một sự đổi mới để Quốc hội không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri. Việc thảo luận sẽ góp phần đánh giá toàn diện, đầy đủ về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trong việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các Bộ, ngành.

Đa số các ý kiến thống nhất với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị báo cáo cần làm rõ lĩnh vực có chuyển biến tích cực, cơ quan có tiến bộ rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đặc biệt là tác động của việc giám sát kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Quốc hội cần tiếp tục giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, chú trọng thực chất, giải quyết triệt để vấn đề cụ thể cử tri kiến nghị, kết quả giải quyết phải được thể hiện trong thực tiễn, có sự chuyển biến trong thời hạn nhất định để cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện, tránh việc kiến nghị nhiều lần. Đồng thời đề nghị Ban Dân nguyện tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức các phiên giải trình về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để đại biểu Quốc hội, cử tri theo dõi, giám sát.

Ban Dân nguyện làm đầu mối rà soát, đôn đốc trả lời ý kiến cử tri, đảm bảo thời gian theo quy định, giám sát chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri, trong đó các vấn đề cụ thể thì phải sớm giải quyết triệt để. Ban Dân nguyện cần quan tâm hơn nữa việc đôn đốc trả lời kiến nghị của cử tri với các Bộ, ngành Trung ương, nhất là kiến nghị của cử tri được tiếp thu nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Khi xây dựng kế hoạch, Ban Dân nguyện cần chú ý giám sát nội dung trả lời các kiến nghị đối với vụ việc còn chậm, nhiều bức xúc nổi cộm, những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần đã được trả lời nhưng chưa có chuyển biến tích cực.
 
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH Hậu Giang phát biểu

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan về chung một vấn đề kiến nghị thì cần có sự phối hợp để trả lời, tránh trường hợp câu hỏi được trả lời một phần hoặc không toàn diện, không bao quát hết vấn đề được hỏi; cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, Ngành và quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách. Đồng thời kiến nghị khi triển khai những chính sách cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thực hiện cần tăng cường vài trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ: Tăng cường các giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào để bình ổn sản xuất; có chiến lược cụ thể, rõ ràng, thiết thực hơn trong quy hoạch vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; có hỗ trợ cụ thể hơn với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; xúc tiến ban hành chủ trương điều chỉnh hợp nhất bổ sung những cơ chế chính sách; hỗ trợ kinh phí sự nghiệp hàng năm, giúp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sớm triển khai đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ, đáp ứng yêu cầu di dời, ổn định đời sống cho các hộ khó khăn đang sinh sống trong vùng ngập lũ, các vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm trước những biến động phức tạp liên quan đến tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; xem xét, sửa đổi Nghị định số 34 ban hành năm 2009 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố; nghiên cứu, sửa đổi, hướng dẫn cụ thể  trong việc quy định về người đại diện khiếu nại; việc quy định nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung quy định tại Luật Khiếu nại, Luật Tiếp công dân và Nghị định 75 để có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn, xây dựng mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh miền núi, có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh. Sớm đầu tư xây dựng đoạn tránh trung tâm các huyện, thành phố và các thị trấn thường xuyên có ách tắc giao thông, nhằm nâng cao khả năng lưu thông phục vụ mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch được duyệt. Sớm cho chủ trương đầu tư với dự án tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch để không những phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu cho các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ diêm dân làm muối, đặc biệt trong việc có kinh phí để rải bạt ruộng làm muối, làm kho chứa muối, thành phẩm; giải quyết vấn đề tiêu thụ muối để người dân làm muối bớt khó khăn, phát huy thế mạnh quốc gia thuận lợi cho người làm muối.

Bộ Tài nguyên, Môi trường cần quyết tâm hơn nữa để xử lý được việc quản lý rác thải thành phố, nông thôn, để chấm dứt việc cung cấp, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy.

Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần báo cáo rõ đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản điện sản xuất… Từ đó, đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đồng thời, cần làm ró có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

Cử tri ngành giáo dục đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị về việc làm, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm giải quyết, tham mưu giải quyết của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần được quan tâm xem xét, giải quyết thấu đáo.

Cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm, giải quyết điểm nghẽn của Quốc lộ 27 trên địa bàn Tây Nguyên để giải quyết tình trạng hơn 30 km không được bố trí vốn trong nhiều năm…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại phiên họp đã có 21 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đổi mới từ việc xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đổi mới, từ việc UBTVQH xem xét, báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng. “Tại kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại phiên họp toàn thể để xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri và được nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh
 
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận việc thảo luận tại hội trường diễn ra với không khí sôi nổi, các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, khách quan và sát thực tiễn, tập trung vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều ý kiến đề cập đến các vụ việc cụ thể ở các tỉnh, thành phố kéo dài nhiều năm. 
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển cho các cơ quan để tổng hợp, trả lời và nghiên cứu. Đồng thời, các nội dung này sẽ đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »