Ths Ngô Thị Hằng Nga - KTNN khu vực II chủ nhiệm Đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu của Ban Đề tài
Tham gia hội thảo có GS.TS Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; đại diện Phòng Ngân sách Địa phương Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng Kiểm toán cùng các thành viên Ban Đề tài.
Trình bày tóm tắt về kết quả nghiên cứu của Đề tài, Ths. Ngô Thị Hằng Nga Chủ nhiệm Đề tài cho biết, thời gian qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán trong hoạt động quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của các địa phương. Qua đó, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế như: Chưa bao quát hết nguồn thu; dự toán chi chưa sát với thực tế; giao và phân bổ chưa có cơ sở...
Đối với công tác điều hành ngân sách, một số địa phương chưa lập kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa điều chỉnh kịp thời; hụt thu ngân sách lớn nhưng chưa thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách; việc tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung từ ngân sách cấp trên chưa chính xác nên số nộp trả tương đối lớn.
Ths. Ngô Thị Hằng Nga cho rằng, kết quả kiểm toán cho thấy những hạn chế nêu trên chủ yếu bắt nguồn từ công tác lập và phân bổ dự toán thu chi ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, việc kiểm toán, đánh giá về dự toán NSĐP trong các cuộc kiểm toán ngân sách chưa thực sự rõ nét.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP, Ban Đề tài cho rằng KTNN cần có những nghiên cứu, đánh giá riêng về thực trạng việc kiểm toán dự toán NSĐP, từ đó xây dựng hướng dẫn riêng cho nội dung này để nâng cao chất lượng các kiến nghị, cảnh báo, tư vấn cho HĐND các cấp, Chính phủ và Quốc hội về lập dự toán ngân sách và giám sát, quản lý, điều hành ngân sách trong trung và dài hạn.
Từ kinh nghiệm thực tiễn và quá trình thu thập dữ liệu, nghiên cứu, nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận về NSĐP và xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP; Đánh giá thực trạng kiểm toán và hướng dẫn kiểm toán NSĐP của KTNN; Kiến nghị xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán NSĐP, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của KTNN trong kiểm toán dự toán NSĐP.
Tại hội thảo, các đại biểu trong Ngành nhấn mạnh: Kiểm toán dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) của KTNN là hoạt động kiểm toán đặc thù riêng do đây là khâu quan trọng hàng đầu trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương. Do đó việc tiếp cận kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP là một yêu cầu cần thiết trong chu trình dự toán NSNN.
Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, hiện nay chất lượng kiểm toán kiểm toán dự toán ngân sách nói chung của KTNN còn chưa cao, các đánh giá, kiến nghị chưa nổi bật. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với hoạt động của KTNN.
Để Ban Đề tài hoàn thiện kết quả nghiên cứu và đưa ra được những khuyến nghị khả thi, có tính ứng dụng cao, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên cho rằng: Nội dung xuyên suốt của Đề tài là những vấn đề lý thuyết chung về dự toán NSNN, dự toán NSĐP và thẩm tra dự toán ngân sách; Thực trạng về kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP (mục tiêu, nội dung, phạm vi, đối tượng, quy trình, trình tự, phương pháp, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá dự toán ngân sách), từ đó đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Ban Đề tài cần tập trung đánh giá thực trạng kiểm toán dự toán NSĐP của KTNN thời gian qua, chỉ ra những hạn chế trong quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kiểm toán; phân tích nguyên nhân hạn chế. Đồng thời, cần bổ sung kinh nghiệm của các nước trong kiểm toán dự toán ngân sách.
Bên cạnh đó, Ban Đề tài cũng cần làm rõ một số nội dung được đề cập trong Đề tài, như: Quan điểm, định hướng nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP và sự cần thiết xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán ngân sách trong kiểm toán NSĐP; xây dựng hướng dẫn kiểm toán dự toán NSĐP; kiến nghị điều kiện và lộ trình thực hiện.
Một nội dung khác được GS.TS Đoàn Xuân Tiên khuyến nghị là Ban Đề tài cần làm rõ sự giống và khác nhau giữa kiểm toán dự toán NSNN và kiểm toán cho ý kiến về dự toán NSNN; thời điểm, mục đích kiểm toán dự toán NSNN (tiền kiểm và hậu kiểm) có sự khác nhau như thế nào; xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng kiểm toán cho phù hợp.
Tham gia hoàn thiện Đề tài, Phó Trưởng phòng Ngân sách địa phương Vụ Tổng hợp Đỗ Thị Cẩm Giang cho rằng: Ban Đề tài cần cụ thể các bước thực hiện để kiểm toán từng khoản mục thu, chi ngân sách trong báo cáo dự toán NSĐP; nghiên cứu đề xuất xây dựng hướng dẫn hoặc điều kiện kiểm toán dự toán NSĐP trong trường hợp rút ngắn thời gian quyết toán NSNN theo quy định hiện hành từ 18 tháng xuống 12 tháng dẫn đến công tác phân giao dự toán cũng bị rút ngắn.
Bà Đỗ Thị Cẩm Giang cũng cho rằng, Đề tài đã nêu một số thực trạng của KTNN như chưa được nhận từ dữ liệu quốc gia cập nhật thường xuyên về thu, chi từng địa phương trong thời điểm hiện tại. Do đó, Ban Đề tài cần nghiên cứu hướng dẫn các KTNN khu vực lưu trữ hệ thống thông tin, xây dựng hệ thống bảng biểu cần thu thập để có dữ liệu về tình hình kinh tế-xã hội, đối tượng quản lý thu phục vụ cho công tác kiểm toán dự toán…
Thay mặt Ban Đề tài, Ths. Ngô Thị Hằng Nga đã giải trình một số nội dung và cho biết Ban Đề tài sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại biểu trong Ngành để bổ sung, hoàn thiện Đề tài trước khi đưa ra Hội đồng nghiệm thu./.
Phương Ngọc