Thủy điện tích năng Bác Ái: Kiến nghị xử lý tài chính gần 5 tỷ đồng và chấn chỉnh những thiếu sót

09/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Song song với việc yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Điện 3 phải xử lý, thu hồi tiền thuế giá trị gia tăng đã được hoàn và giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) còn kiến nghị đơn vị phải tăng thu ngân sách nhà nước hơn 910 triệu đồng; nộp thuế tài nguyên 417,6 triệu đồng, phí bảo vệ môi trường 91,2 triệu đồng; thu hồi cho chủ đầu tư 461,3 triệu đồng và giảm chi thanh toán cho chủ đầu tư gần 3.551,9 triệu đồng. Như vậy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính mà KTNN đưa ra khi kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái là gần 4.923,5 triệu đồng.

KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 5 tỷ đồng khi kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái. Ảnh minh họa

Thiếu sót trong thẩm định, phê duyệt Dự án

Đưa ra đánh giá chung khi kiểm toán Dự án này, KTNN nêu rõ, công tác lập, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công cơ bản tuân thủ các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được chủ đầu tư phê duyệt. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tham gia ý kiến thống nhất phương án xây dựng. KTNN ghi nhận, Ban QLDA đã có nhiều cố gắng trong quản lý và triển khai thực hiện Dự án giai đoạn 1, bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định. Tiến độ thi công hạng mục cụm công trình cửa xả nhằm đồng bộ được với tiến độ tích nước hồ Sông Cái thuộc hệ thống Thủy lợi Tân Mỹ. Các gói thầu xây lắp và thiết bị được đấu thầu rộng rãi, thông qua đấu thầu giảm được 85,86 tỷ đồng so với dự toán được phê duyệt.

Tuy nhiên, công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án còn thiếu nội dung đánh giá tác động ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Đồng thời, Báo cáo ý kiến về thiết kế cơ sở Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái còn thiếu một số nội dung như: Khả năng huy động vốn đáp ứng tiến độ của Dự án; kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư; khả năng hoàn trả vốn vay; giải pháp phòng cháy, chữa cháy…

Đáng chú ý, EVN đã phê duyệt quyết định đầu tư Dự án khi chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ, chưa đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP. EVN cũng phê duyệt Dự án thành phần Đường dây đấu nối thủy điện tích năng Bác Ái trước thời điểm Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ngày 20/5/2015). Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được Hội đồng thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận thông qua ngày 11/02/2015.

Trong tính toán tổng mức đầu tư, Dự án có một số hạng mục mới chỉ là tạm tính (tạm ghi) mức đầu tư, chưa có đủ cơ sở chi tiết để tính toán. Đơn cử như: Hạng mục Nhà Quản lý vận hành kết hợp làm trụ sở ban đầu của Ban QLDA tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận tạm tính là 77 tỷ đồng; chi phí chuyển quyền sử dụng đất khu Quản lý vận hành tạm tính là 50 tỷ đồng; chuẩn bị hoàn thiện mặt bằng xây dựng và các công trình phục vụ thi công khác tạm ghi là 117,02 tỷ đồng.

Đơn vị cũng đã tính toán thêm các hệ số (1,05 hoặc 1,1) trên tổng khối lượng tính toán của một số hạng mục từ Thiết kế cơ sở không phù hợp với hướng dẫn lập Tổng mức đầu tư theo Thông tư của Bộ Xây dựng làm tăng giá trị tổng mức đầu tư Dự án thêm 338 tỷ đồng.
 
Tính toán, quản lý tài chính chưa hiệu quả

Về phương án tài chính của Dự án, do chưa có hướng dẫn cụ thể về phân tích hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án thủy điện tích năng nên đơn vị cũng đang tính toán theo quy định tạm thời. Nhưng theo KTNN, phương án tài chính của đơn vị chưa đạt hiệu quả nếu vay 100% ngân hàng thương mại trong nước.

Liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán, việc khảo sát để lập thiết kế cơ sở chưa sát thực tế dẫn đến phải bổ sung 2 hố khoan trị giá 1,016 tỷ đồng vào Gói thầu số 2. Với Gói thầu số 19.1-XD, do lập dự toán thi công xây dựng cụm công trình cửa xả áp sai đơn giá vật liệu theo thông báo giá của địa phương, sai khối lượng làm tăng giá trị dự toán hơn 16 tỷ đồng. Cũng liên quan đến gói thầu này, Công ty Cổ phần Xây dựng 47 chưa thực hiện việc nộp thuế tài nguyên đối với sản lượng đá dăm, cát nghiền làm cốt liệu sản xuất bê tông; Ban QLDA Điện 3 chưa thỏa thuận với nhà thầu thi công xây dựng về hình thức và nội dung của nhật ký thi công xây dựng.

Không chỉ có những thiếu sót trong quản lý chất lượng công trình xây dựng, mà khi thực hiện nghiệm thu, thanh toán các gói thầu cũng có những sai sót khiến KTNN phải yêu cầu Ban QLDA Điện 3 giảm trừ thanh toán, thu hồi 4,013 tỷ đồng do sai khối lượng so với thực tế thi công (hơn 1,016 tỷ đồng), sai đơn giá (2,715 tỷ đồng) và sai khác (235 triệu đồng). Trong khi đó, một số gói thầu đã thực hiện nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành từ năm 2011, 2012 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa thực hiện quyết toán và thanh lý hợp đồng.
 
KTNN ghi nhận, theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), Dự án chỉ mang lại hiệu quả trong hệ thống nói chung và không hiệu quả đối với dự án độc lập, cho dù được mua theo giá điện mặt trời và bán theo giá giờ cao điểm. Do vậy, UBQLV đã có Công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng cơ chế giá bán điện cho dự án thủy điện tích năng.

Về tiến độ, KTNN xác nhận Dự án chậm tiến độ 34 tháng do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở giai đoạn I của Dự án chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do giãn hoãn tiến độ thi công một số hạng mục. Một số gói thầu đã chậm tiến độ so với hợp đồng, như: Gói thầu số 3 chậm 17 tháng, Gói thầu số 21 chậm 3 tháng… Tại thời điểm kiểm toán, EVN mới đang trình Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt bản vẽ Thiết kế kỹ thuật giai đoạn II của Dự án. Đồng thời, Dự án cũng đang thu xếp vốn để đầu tư và chưa khởi công xây dựng giai đoạn 2, do đó, việc hoàn thành Dự án như tiến độ đề ra là rất khó khả thi. Kết luận kiểm toán, KTNN yêu cầu Ban QLDA Điện 3 phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm tiến độ.

Cùng với đó là khắc phục, thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo kết quả kiểm toán; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những bất cập trong công tác lập dự án đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán, ký kết và quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng, quản lý tài chính, kế toán.

Với chủ đầu tư EVN, KTNN yêu cầu phải báo cáo UBQLV về phương án thu xếp vốn cho thủy điện tích năng; chấn chỉnh việc thẩm định phê duyệt công tác lập dự án đầu tư, tổng mức đầu tư, cũng như làm rõ các nguyên nhân dẫn đến Dự án chậm tiến độ./.

Phúc Khang
(Báo Kiểm toán số 23/2023)

 
 

Xem thêm »