Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành
Chính phủ nghiên cứu hoàn thiện lộ trình rút ngắn thời gian quyết toán NSNN hằng năm
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết về quyết toán NSNN năm 2021 và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 với 473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Nghị quyết đã phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; trong đó, tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN.
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022. Bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm. Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến quyết toán NSNN; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng NSNN; lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 chậm so với thời gian quy định.
Tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện. Quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu NSNN bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng NSNN. Lập dự toán chi NSNN bảo đảm sát đúng yêu cầu và khả năng thực hiện.
Quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ, giao dự toán, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án. Rà soát, xác định chính xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSNN.
Quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn NSNN. Tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán NSNN năm 2021 và năm 2020 trở về trước.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và xem xét xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến hết ngày 30/ 6/ 2023 đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền.
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023 để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Nghị quyết cũng nêu rõ việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng để bảo đảm sử dụng đúng mục đích theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc củaNSNN. Phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với khả năng thực hiện, giải ngân chi NSNN, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả....
Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) với 459 đại biểu tán thành, bằng 92.91% tổng số ĐBQH.
Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều quy định về: Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; điều khoản thi hành…
Về phạm vi điều chỉnh, Luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan Nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá; đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.
Luật cũng quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá, Luật Giá (sửa đổi) quy định giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về doanh nghiệp thẩm định giá; điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá; quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; xác định giá dịch vụ thẩm định giá; phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá.
Đối với công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước; kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…
Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Riêng quy định tại khoản 2 Điều 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1//2026, Kể từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2025 Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 1 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây: Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá; Thẻ thẩm định viên về giá; Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá; Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) (sửa đổi) gồm 10 chương với 92 điều, gồm: Những quy định chung; Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; Kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Kinh doanh quyền sử dụng đất; Chuyển nhượng dự án BĐS; Hợp đồng kinh doanh BĐS; Kinh doanh dịch vụ BĐS; Xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; Quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS; Điều khoản thi hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mục đích sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực BĐS hoạt động kinh doanh BĐS, đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh BĐS với các luật khác có liên quan.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh BĐS, song cơ quan thẩm tra cho rằng, cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật, đối chiếu với các dự thảo Luật có liên quan đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến cùng được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023), như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)…
Việc sửa đổi các dự thảo Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bám sát định hướng chính sách chung, không tạo ra rào cản về chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật theo tinh thần của Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cơ quan thẩm tra lưu ý...
Thảo luận ở Tổ, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiêt phải sửa đổi Luật kinh doanh BĐS. Các ý kiến tập trung thảo luận các nội dung: Các quy định về năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép làm dự án BĐS; Quy định hoạt động kinh doanh BĐS phải thông qua sàn giao dịch; kinh doanh các BĐS hình thành trong tương lai; vấn đề xây dựng bảng giá đất; các quy định về môi giới BĐS.../.
Ngọc Bích