Phát biểu tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi), có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỷ lệ 94.13%), trong đó có 463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật BVQLNTD (sửa đổi) (chiếm tỷ lệ 93.72%). Với kết quả trên, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật BVQLNTD (sửa đổi).
Luật BVQLNTD (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/ 2024 và thay thế Luật BVQLNTD số 59/2010/QH12.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác triển khai thi hành Luật này.
Để chuẩn bị cho công tác thực thi Luật nêu trên, Bộ Công Thương đã dự thảo và sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính xem xét phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để nhanh chóng triển khai các hoạt động cần thiết, bảo đảm hiệu quả và sớm đưa các quy định của Luật đi vào thực tiễn sản xuất, tiêu dùng của nền kinh tế.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (TNN) (sửa đổi).
Báo cáo tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, Dự thảo Luật TNN sửa đổi gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật TNN năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều. Về phạm vi điều chỉnh, quy định tại dự thảo Luật về cơ bản giữ nguyên như Luật 2012.
Theo đó, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng TNN, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật TNN năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng TNN. TNN đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mục tiêu của dự án Luật TNN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật sẽ hướng tới quản lý TNN trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, sẽ chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các chính sách về: giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hoá…
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tại Tổ của cơ quan soạn thảo và đánh giá hồ sơ dự án Luật TNN (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý TNN; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự án Luật TNN (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến: Làm rõ hơn tác động của việc bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; vấn đề tài chính về TNN và việc bảo vệ TNN, phòng chống tác hại do nước gây ra; đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách...; đề nghị cần có quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sông, hồ chứa, đập chứa dưới vùng hạ lưu có trách nhiệm đóng góp kinh phí để chi trả cho những người làm công tác bảo vệ, phát triển rừng vùng thượng lưu để tạo nguồn sinh thuỷ...
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cảm ơn các ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội. “Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật TNN ” - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong phiên thảo luận đã có 20 đại biểu có ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, còn 22 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban thư ký để tổng hợp đầy đủ. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.
Qua thảo luận, các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật TNN để khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ, sử dụng TNN đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước, chủ động tích cực trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cung cấp sinh hoạt, sản xuất đời sống, thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản trị, phát triển TNN. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật.
Sau phiên họp, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Đại biểu tại phiên thảo luận để hoàn thiện Dự án Luật TNN (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.
Thanh Trang