Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

23/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 23/6/2023, tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Có 12 đại biểu (ĐB) phát biểu, 02 ĐB tranh luận tại phiên họp, trong đó ý kiến các ĐB cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững thị trường bất động sản; quản lý chặt chẽ, cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên đất; minh bạch hóa thị trường, tạo công bằng xã hội đối với từng nhóm chính sách. Bên cạnh đó, các ĐB đã tập trung thảo luận về: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định có liên quan đến kinh doanh bất động sản (BĐS); giải thích từ ngữ; nguyên tắc kinh doanh BĐS; giao dịch BĐS; hợp đồng trong kinh doanh BĐS; trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS; điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS; BĐS hình thành trong tương lai; thanh toán, bảo lãnh trong mua, bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS; các hành vi bị cấm… Các ĐB cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn về sàn giao dịch BĐS; môi giới BĐS; về công chứng, đặt cọc, thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS; tiếp tục rà soát và quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, điều kiện kinh doanh BĐS và quyền sử dụng đất; bổ sung việc mua, bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn liền với quyền sử dụng đất, hoặc không gian sử dụng đất gắn liền với đất vào nội dung dự thảo tại Điều 15 về điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh; tiếp tục hoàn thiện quy định về nguồn lực và cơ chế huy động xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin về đất đai, nhà ở và thị trường BĐS…

Sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản phải tạo ra tính ổn định về chính sách.

Phát biểu góp ý về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu thực tế, thị trường bất động sản (BĐS) lên xuống, luôn rình rập yếu tố rủi ro, nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế. ĐB mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này cần xóa bỏ được tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8 của dự thảo Luật do còn chung chung, chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích thị trường BĐS; chưa kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ thuế…nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng và thực tiễn đặt ra.

Theo ĐB, cần có 4 yếu tố để đảm bảo chính sách của Nhà nước về thị trường BĐS là: Tính ổn định của chính sách; tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường BĐS; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu); phải quản lý chặt chẽ thị trường BĐS, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường. 

Liên quan đến việc rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) để đảm bảo bao quát nhưng không chồng chéo với các Luật liên quan, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 11; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS; quyền sử dụng đất; đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường BĐS và các thị trường có liên quan như thị trường về tiền tệ, tín dụng; cơ cấu lại thị trường BĐS; sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị; các dự án BĐS gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS…

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các quy định có liên quan đến kinh doanh BĐS, để bảo đảm hợp lý hơn, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính bao quát, nhưng không chồng chéo với các Luật có liên quan. Trong việc đầu tư xây dựng BĐS, theo ĐB nên để ngành Xây dựng thực hiện.

ĐB Tạ Đình Thi (Tp. Hà Nội) nêu ý kiến: Cần có cơ chế phối hợp để vận hành hệ thống thông tin dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Theo ĐB, dự thảo Luật cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung Chương 8 về xây dựng và quản lý dữ liêu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường BĐS. Cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với ngành Xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án BĐS nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý Nhà nước.
 
Toàn cảnh phiên thảo luận

Có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong kinh doanh BĐS

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh BĐS”. Đặc biệt cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm, và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Hình sự.

Đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 4 với các hành vi “gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh BĐS”; bổ sung khoản 5 Điều này về thực hiện các điều khoản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng giao dịch. ĐB cho rằng, việc bổ sung này cũng tương thích tại các Điều 19,20,21,22 của dự thảo Luật.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS tại khoản 4 Điều này, ĐB bày tỏ đồng tình nhưng đề nghị bổ sung thêm ý: “trừ trường hợp bên tham gia hợp tác, liên danh cùng có tên được công nhận là đồng chủ đầu tư trong giấy chứng nhận chủ đầu tư” để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư cho phép hình thức hợp tác đầu tư liên danh.

Tại khoản 7, để đảm bảo chặt chẽ quyền lợi khách hàng, cần bổ sung công đoạn nghiệm thu vào điều kiện cho rõ ràng hơn và sửa lại là: “Chỉ được phép bàn giao nhà ở cho khách hàng sau khi đã hoàn thành nghiệm thu việc xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, ĐB Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung và tách 1 khoản riêng là dự án sân golf, khu nghỉ dường và dự án đầu tư xây dựng khác có công năng phục vụ hỗn hợp để có quy định chính sách phù hợp. 

Về nguyên tắc kinh doanh bất động sản tại Điều 4, ĐB đề nghị bỏ từ “tự do” trong “tự do thỏa thuận” vì dễ dẫn đến cách hiểu khách nhau trong hướng dẫn của dự thảo Luật, đề nghị khoản 3 Điều này sửa lại là: Kinh doanh BĐS công khai, minh bạch, trung thực thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh”. Nội dung này tương thích với quy định tại Điều 7 về công khai thông tin BĐS.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các nội dung trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cần đảm bảo tính thống nhất với các Luật có liên quan.

Về thời hạn sở hữu công trình xây dựng công trình nhà chung cư theo niên hạn, ĐB đề nghị cần phải gắn với tình hình thực tế; việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian với đất; Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua; đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư; sàn giao dịch BĐS cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

ĐB đề nghị cần quan tâm, bổ sung khoản 3 Điều 18 về thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở, công trình xây dựng là các nội dung liên quan đến các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, đảo đảm đồng bộ về trách nhiệm của chủ đầu tư trong các loại hình dự án BĐS cũng giống như bảo đảm tính hệ thống nhất với các điều khoản có liên quan của Luật này.

Đối với các quy định về sàn giao dịch BĐS tại Điều 57 của dự thảo Luật đã thu hút sự quan tâm và tranh cãi liên quan đến việc quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch BĐS sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS mà còn đảm bảo tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi Luật được Quốc hội thông qua đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Về thời hạn sở hữu công trình xây dựng công trình nhà chung cư theo niên hạn, ĐB Huỳnh Thị Phúc đề nghị gắn với tình hình thực tế. Việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian với đất. Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua, đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư. Về sàn giao dịch bất động sản cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định phân khúc các loại giao dịch BĐS. Theo ĐB, tại Điều 57 có quy định: “Các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS, theo quy định của Luật này". Đồng thời, tại Điều 60, một trong các quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động của sàn giao dịch BĐS là có “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”. 

Đại biểu bày tỏ đồng tình việc đưa quy định này vào trong Dự thảo Luật nhằm Tăng cường kiểm soát, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi người dân trong giao dịch BĐS, nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền tự do trong hoạt động, phương thức giao dịch BĐS của người dân.

ĐB đề nghị làm rõ thêm sàn giao dịch BĐS ở đây là bao gồm sàn giao dịch trực tiếp hay cả sàn giao dịch trực tuyến trên các phương tiện điện tử; và làm rõ thêm nội hàm tiêu chí của cụm từ “cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu”. 

Bên cạnh đó, ĐB kiến nghị cân nhắc, bổ sung thêm một phương án mở hơn, là theo hướng phân loại, phân khúc các các loại giao dịch BĐS. Trong đó, có loại giao dịch bắt buộc phải thực tiện thông qua sàn giao dịch BĐS, nhưng cũng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp mà không cần qua sàn giao dịch.

Về vấn đề bổ sung điều kiện của tổ chức kinh doanh BĐS, theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Tp. Hà Nội) còn một số hạn chế và cần tiếp tục hoàn thiện Điều 10 và Điều 59 dự thảo Luật. Về điều kiện để tổ chức được kinh doanh BĐS hiện không thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự vừa không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến bỏ sót nhiều tổ chức tuy không đủ điều kiện nhưng vẫn được kinh doanh BĐS như: Tổ chức đang bị cấm kinh doanh hoặc đang bị cấm huy động vốn; tổ chức đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh BĐS là: “Không trong thời gian đang bị cấm kinh doanh, đang bị cấm huy động vốn hoặc đang bị tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề có thời hạn”. 

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 10 điều kiện cấm đối với cá nhân bán chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính và với chính khoản 1 Điều 10.

Về Điều 59,  ĐB nêu rõ quy định về điều kiện của người quản lý điều hành sàn giao dịch BĐS có hạn chế là đã để lọt 2 nhóm đối tượng cũng phải bị cấm quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS là những người đang chấp hành án phạt về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS (như bị phạt cảnh cáo, phạt tiền cải tạo không giam giữ, trục xuất, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cấm cư trú, quản chế, tước 1 số quyền công dân và tịch thu tài sản); và nhóm những người đang bị tạm giữ chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS hoặc đang bị tước chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS có thời hạn về hành vi vi phạm trong hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS.

Để khắc phục hạn chế của dự thảo, ĐB đề nghị tách khoản 2 Điều 59 dự thảo Luật thành hai khoản, trong đó, một khoản quy định về năng lực hành vi dân sự, một khoản quy định về trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bổ sung và viết lại Điều 59 dự thảo Luật theo hướng: Có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và chứng chỉ hành nghề; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án về tội phạm trong hoạt động hoặc liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS; không đang bị tạm giữ chứng chỉ hoặc tước chứng chỉ.
 
Cần bổ sung quy định giới hạn giao dịch về BĐS hình thành trong tương lai

Về bất động sản hình thành trong tương lai quy định tại Chương 3 của dự thảo Luật, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một điều quy định giới hạn giao dịch về BĐS hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường BĐS, có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.

Các giao dịch BĐS hình thành trong tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án BĐS phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án. Do vậy, ĐB đề nghị giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch BĐS nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân Liên quan đến quy định nguyên tắc kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần rà soát những khoản nào thuộc phạm trù nguyên tắc - tức là những điều cơ bản định ra nhất thiết phải tuân theo, những khoản nào thuộc phạm trù yêu cầu - tức là điều cần phải đạt được trong một nhiệm vụ nào đó nhằm đảm bảo tính khoa học và rõ ràng của dự thảo Luật. 

Về quy định giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản cho các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng tại khoản 1 Điều 48, ĐB cho rằng, việc quy định trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó thì còn chung chung, chưa rõ để áp dụng. Vì vậy, đề nghị dự thảo quy định cụ thể Bộ tài chính hướng dẫn các trường hợp giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua BĐS để hạn chế tình trạng giá mua thấp hơn giá ghi trên hợp đồng mua bán BĐS. Theo ĐB, hiện Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 92 năm 2015 quy định hướng dẫn tính giá chuyển nhượng khi tính thuế thu nhập quy định tại Điều 17.

Liên quan đến quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS tại Điều 65, ĐB cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên quy định này chỉ có giới hạn đối với một số môi giới tham gia hoạt động trên sàn, trong khi đó thực tiễn hàng loạt môi giới khác không tham gia sàn giao dịch mà hành nghề tự do, đối tượng này lại được đông đảo người lựa chọn thì theo Luật không cần có chứng chỉ. “Vấn đề đặt ra, liệu cơ quan quản lý Nhà nước có kiểm soát được đối tượng này hay không? Có gì bất cập không khi người là môi giới cần có chứng chỉ, người lại không cần có chứng chỉ vẫn được hành nghề rộng rãi?” - đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Về vấn đề tổ chức đào tạo, cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, ĐB đề nghị dự thảo Nghị định phải quy định rõ về điều kiện để các cơ sở đào tạo được phép đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, làm căn cứ cho Bộ Xây dựng khi xét duyệt và cấp phép.

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán.

Góp ý về nghĩa vụ của bên mua đưa nhà ở công trình xây dựng vào kinh doanh quy định tại Điều 20 dự thảo Luật, quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên cho thuê và chưa thống nhất với các Luật hiện hành vì hiện nay chưa có quy định về nghĩa vụ bên cho thuê phải làm các thủ tục như dự thảo quy định. 

ĐB kiến nghị sửa đổi bổ sung bên bán cho thuê mua nhà ở công trình xây dựng có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên thuê, mua nhà ở công trình xây dựng; trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS tại Điều 42, ĐB cho rằng quy định như dự thảo sẽ gây phát sinh nhiều bất cập vướng mắc về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết đối với dự án BĐS được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất tránh phát sinh các bất cập, vướng mắc, đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng thống nhất thẩm quyền trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh BĐS thực hiện theo quy định pháp luật về kinh doanh BĐS. Đối với các dự án khác không phải là dự án kinh doanh BĐS thì tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hiện hành.

Đối với quy định về giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS được quy định tại Điều 57, ĐB kiến nghị để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân, đề nghị tất cả các giao dịch BĐS có ít nhất một bên là cá nhân tham gia thì bắt buộc phải công chứng. Riêng các trường hợp giao dịch BĐS giữa các tổ chức với nhau thì có quyền lựa chọn giao dịch thông qua công chứng hoặc và sàn giao dịch BĐS.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), kinh doanh BĐS có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên, khoản 3 Điều 10 bao gồm các trường hợp: Công trình xây dựng, chuyển nhượng BĐS do phá sản… không thuộc loại hình kinh doanh BĐS, không tìm kiếm lợi nhuận. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. 

Bên cạnh đó, các dự án kinh doanh nhà ở, BĐS có liên quan đến luật Đất đai, luật Nhà ở, ĐB đề nghị cần thống nhất Luật nào là chủ đạo, các Luật khác có liên quan chỉ dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật. 

Nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh BĐS là rất cần thiết, theo ĐB cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà. Dự thảo Luật chỉ quy định chủ đầu tư phải có vốn không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án trên 20 ha, cần nêu rõ giới hạn diện tích này là cho từng dự án, hay tính tổng các dự án.

Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, theo ĐB cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán, cho thuê; còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi nhà nước thu hồi đất.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Ngoài các vấn đề đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình nêu trên còn có nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết khác của các ĐB Quốc hội về dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung để kịp thời báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

Khánh Vy

 

Xem thêm »