Ban hành Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhà nước

06/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 6/7/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã ký Quyết định số 10/2023/QĐ-KTNN về việc ban hành Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhà nước (KTNN).

Quy định này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong hoạt động KTNN; quy định về khởi kiện và tham gia tố tụng hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Quy định này áp dụng đối với: Các đơn vị trực thuộc KTNN, Đoàn KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc KTNN; Đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại, kiến nghị và thực hiện quyền khởi kiện; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Quy định, Khiếu nại trong hoạt động KTNN là việc người khiếu nại thực hiện thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét lại hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán (sau đây gọi là hành vi kiểm toán); xem xét lại đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN (sau đây gọi là kết quả kiểm toán) và xem xét lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (sau đây gọi là quyết định xử phạt) khi có căn cứ cho rằng hành vi kiểm toán, kết quả kiểm toán và quyết định xử phạt đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN là việc KTNN thực hiện các trình tự, thủ tục thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Kiến nghị trong hoạt động KTNN là việc người kiến nghị đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét lại hành vi kiểm toán, kết quả kiểm toán và quyết định xử phạt khi cho rằng hành vi kiểm toán, kết quả kiểm toán và quyết định xử phạt đó là không đúng đắn, không khách quan, không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hay thực tế, không có điều kiện thực hiện.

Giải quyết kiến nghị trong hoạt động KTNN là việc KTNN thực hiện các trình tự, thủ tục để trả lời người kiến nghị.

Khởi kiện trong hoạt động KTNN là việc người khiếu nại thực hiện quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN.

Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN

Quy định nêu rõ, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại gửi Tổng Kiểm toán nhà nước, kèm theo thông tin, chứng cứ bổ sung (nếu có) chứng minh cho khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc khiếu nại thông qua người đại diện theo pháp luật.

Thời hiệu khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật KTNN về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Các trường hợp không thụ lý giải quyết khiếu nại, gồm: Kết quả kiểm toán, hành vi kiểm toán và quyết định xử phạt không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; Người khiếu nại không cung cấp thông tin, chứng cứ (nếu có) chứng minh cho khiếu nại của mình là có căn cứ và hợp pháp; Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại; Khiếu nại không bằng hình thức đơn khiếu nại theo quy định tại Điều 5 Quy định này. Đơn khiếu nại không có chữ ký, con dấu (nếu có) của người khiếu nại; Khiếu nại về kết quả kiểm toán, quyết định xử phạt không phải do KTNN phát hành hoặc khiếu nại về hành vi không thuộc nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; Thời hiệu khiếu nại kiểm toán đã hết theo quy định mà không có lý do chính đáng; Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc người khiếu nại rút đơn khiếu nại.

Quy trình giải quyết khiếu nại gồm các bước: Thụ lý giải quyết khiếu nại; Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Tổ chức đối thoại; Quyết định giải quyết khiếu nại; Gửi quyết định giải quyết khiếu nại

Việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm: Đơn khiếu nại; Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp; Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có); Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có); Ý kiến tư vấn của Hội đồng (nếu có); Quyết định giải quyết khiếu nại; Các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu trữ theo quy định của pháp luật và của KTNN. Trường hợp người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án thì hồ sơ đó được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu.

Kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong hoạt động kiểm toán

Kiến nghị trong hoạt động kiểm toán phải được thể hiện bằng văn bản, như: Đơn kiến nghị; công văn giải trình hoặc đề nghị xem xét lại kết quả kiểm toán, quyết định xử phạt, hành vi kiểm toán; kiến nghị tại báo cáo tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Văn bản kiến nghị phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Ngày, tháng, năm của văn bản; Tên, địa chỉ của người kiến nghị; Nội dung kiến nghị; Lý do kiến nghị; Chữ ký, con dấu (nếu có) của người kiến nghị; Các giấy tờ, tài liệu khác kèm theo (nếu có).

Thời hạn giải quyết kiến nghị trong hoạt động KTNN tối đa không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị.

Giải quyết kiến nghị về kết quả kiểm toán:

a) Đối với trường hợp kiến nghị lần đầu, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị (cách thức thực hiện tương tự như giải quyết khiếu nại) và xử lý như sau:

Trường hợp giữ nguyên kết quả kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán ban hành công văn trả lời kiến nghị và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước, trước pháp luật về nội dung trả lời.

Trường hợp làm thay đổi kết quả kiểm toán, trong thời hạn 15 ngày, trường hợp phức tạp không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyển hồ sơ cho Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước giải quyết. Hồ sơ gồm: văn bản kiến nghị của người kiến nghị; tờ trình Tổng Kiểm toán nhà nước về trả lời kiến nghị; dự thảo công văn của KTNN trả lời kiến nghị; các tài liệu, bằng chứng liên quan.

Trong thời hạn 05 ngày, trường hợp phức tạp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán có trách nhiệm gửi ý kiến tham mưu giải quyết cho Vụ Tổng hợp.

Trong thời hạn 07 ngày, trường hợp phức tạp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp kết quả tham mưu và dự thảo công văn trả lời kiến nghị trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, ký ban hành hoặc Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán ký thừa lệnh.

b) Đối với trường hợp kiến nghị từ lần thứ hai trở đi, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán lập hồ sơ gửi về Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế để tham mưu, cho ý kiến. Hồ sơ gồm: văn bản kiến nghị của người kiến nghị; tờ trình Tổng KTNN về trả lời kiến nghị; dự thảo công văn của KTNN trả lời kiến nghị; các tài liệu, bằng chứng liên quan và hồ sơ trả lời kiến nghị lần đầu. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết thực hiện như lần đầu.

Giải quyết kiến nghị về quyết định xử phạt và hành vi kiểm toán:

a) Đối với trường hợp kiến nghị lần đầu, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị (cách thức thực hiện tương tự như giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Quy định này). Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán ký công văn trả lời kiến nghị về quyết định xử phạt, hành vi kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước, trước pháp luật về nội dung trả lời. Trường hợp làm thay đổi quyết định xử phạt, hành vi kiểm toán là đúng một phần hoặc sai toàn bộ thì thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, cho ý kiến trước khi ký công văn trả lời kiến nghị.

b) Đối với trường hợp kiến nghị từ lần thứ hai trở đi, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán lập hồ sơ gửi về Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế để tham mưu, cho ý kiến. Hồ sơ gồm: văn bản kiến nghị của người kiến nghị; tờ trình Tổng Kiểm toán nhà nước về trả lời kiến nghị; dự thảo công văn của KTNN trả lời kiến nghị; các tài liệu, bằng chứng liên quan và hồ sơ trả lời kiến nghị lần đầu.

Trong thời hạn 05 ngày, trường hợp phức tạp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm gửi ý kiến tham mưu giải quyết cho Vụ Pháp chế.

Trường hợp cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo Thanh tra KTNN thanh tra, làm rõ hành vi kiểm toán bị kiến nghị.

Trong thời hạn 07 ngày, trường hợp phức tạp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổng hợp kết quả tham mưu và dự thảo công văn trả lời kiến nghị trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, ký ban hành hoặc Tổng Kiểm toán nhà nước giao cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán ký thừa lệnh.

Khởi kiện trong hoạt động KTNN

Quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN bị khởi kiện bao gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; Quyết định giải quyết khiếu nại về đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN trong báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán, thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN; Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Thời hiệu khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN là 30 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước của KTNN.  

Trường hợp Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của người khởi kiện theo quy định của pháp luật, KTNN có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc đến Tòa án trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

 KTNN cử người đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án theo theo quy định của pháp luật.

Thành phần tham dự các phiên Tòa, gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán liên quan trực tiếp đến vụ việc bị khởi kiện; Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp; Đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế; Đại diện lãnh đạo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán; Đại diện lãnh đạo đơn vị, cá nhân khác được cử tham dự.

Quyền và nghĩa vụ của KTNN tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN, các Đoàn KTNN, các đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Hà Linh
 

Xem thêm »