(sav.gov.vn) - Ngày 01/8/2023, Đảng uỷ Kiểm toán nhà nước (KTNN) ban hành nghị quyết số 74 - NQ/ĐU về đẩy mạnh thực hiện 04 nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết số 74 - NQ/ĐU nêu rõ, sau gần 03 năm triển khai thực hiện 04 nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN, nhiệm kỳ 2020-2025 (Nghị quyết số 88-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 về “Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030”, Nghị quyết 89-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 về “Lãnh đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025”, Nghị quyết số 90-NQ/ĐU ngày 19/02/2021 về “Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động của ngành, trong đó việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là cơ bản giai đoạn 2020 - 2025”, Nghị quyết số 103-NQ/ĐU ngày 11/3/2021 về “Lãnh đạo hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước”), cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật, cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN không ngừng được hoàn thiện, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của KTNN. Trong đó, KTNN đã xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và hoàn thiện hệ thống văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN.
Hệ thống tổ chức bộ máy phát triển toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Tổ chức bộ máy được xắp xếp, kiện toàn hợp lý, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; biên chế được Bộ Chính trị giao ổn định giai đoạn 2022-2026; đề án vị trí việc làm được hoàn thiện và đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện công chức, Kiểm toán viên trong hoạt động thực tiễn được tăng cường và phát huy hiệu quả; chất lượng công tác tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN thường xuyên được chú trọng, tăng cường.
Chất lượng kiểm toán ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước.
Công tác xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được quan tâm đẩy mạnh, đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, năng cao hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán của KTNN.
Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế được duy trì, phát huy được hiệu quả trong hợp tác nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.
Công tác phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học cũng như các công tác khác tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:
Việc nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục về số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên; tài liệu, giáo trình; cơ sở vật chất… để thành lập Học viện Kiểm toán chưa đáp ứng theo quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Việc thành lập Vụ Tài chính trên cơ sở nâng cấp Ban Tài chính thuộc Vãn phòng KTNN không phù hợp với bối cảnh toàn hệ thống chính trị thực hiện theo định hướng của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế, tinh gọn, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua nhìn chung chưa đủ hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào làm việc trong cơ quan KTNN. Công tác đánh giá cán bộ, công chức chưa có nhiều đổi mới, chưa thực sự đáp ứng mục đích cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, giúp bố trí, sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực sở trường...
Một số cấp ủy đảng chưa coi trọng khâu phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức tư tưởng cho công chức trong công tác luân chuyển, điều động nên chưa thực sự tạo được sự thống nhất về mặt nhận thức, quyết tâm thực hiện chưa cao.
Việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm vẫn chưa đầy đủ và chưa sát thực tiễn hoạt động chuyên môn của Ngành, do vậy đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nội dung các chương trình bồi dưỡng vẫn còn nặng về lý thuyết, chưa xây dựng được nhiều bài tập tình huống cần giải quyết trong thực tiễn.
Về công tác hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN: Một số quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan đến hoạt động KTNN còn chưa có sự đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn hoạt động của ngành; công tác hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ như Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, quy trình, quy chế hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, một số hồ sơ mẫu biểu, hướng dẫn kiểm toán còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn.
Về công tác nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán: Công tác khảo sát, thu thập thông tin về các đầu mối, đơn vị, dự án cho việc xây dựng KHKT năm của một số đơn vị còn chưa đầy đủ thông tin, dẫn đến phải điều chỉnh khi triển khai thực hiện. Chất lượng công tác thu thập bằng chứng kiểm toán chưa cao, một số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa đảm bảo đầy đủ bằng chứng, chưa phù hợp, dẫn đến phải điều chỉnh kết luận, kiến nghị kiểm toán; tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại một số đơn vị chưa cao, làm giảm hiệu lực kiểm toán. Chất lượng Báo cáo ý kiến về dự toán NSNN hàng năm trình Quốc hội tuy đã từng bước được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu kỳ vọng, do thông tin đầu vào không được cung cấp đầy đủ, kịp thời nên ý kiến còn chung chung, tác động của Báo cáo tới việc xem xét, quyết định dự toán NSNN của Quốc hội chưa nhiều; chất lượng, tiến độ tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia còn có những hạn chế nhất định.
Đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT và công nghệ cao: Các phần mềm hiện nay mới chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ công tác quản lý điều hành nội bộ, đối với hoạt động kiểm toán mới ứng dụng CNTT vào một số khâu, chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ kiểm toán, đặc biệt trong hai khâu cốt lõi của Ngành là lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Một số phần mềm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ, trong đó có các nguyên nhân chính là việc tiếp cận, đưa ra yêu cầu bài toán chưa sát với thực tế; nghiệp vụ phức tạp hoặc hệ thống hồ sơ mẫu biểu thay đổi.
Một số đơn vị, cá nhân chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kiểm toán; tính chủ động trong ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; việc triển khai ứng dụng CNTT vào công việc thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao (việc cập nhật dữ liệu còn chậm, không đầy đủ, việc luân chuyển xử lý văn bản, ký số còn hạn chế; sự phối họp giữa các đơn vị trong ứng dụng CNTT chưa chặt chẽ, hiệu quả...); việc kiểm toán CNTT và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực kiểm toán CNTT còn thiếu, kiểm toán viên chưa được đào tạo ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động kiểm toán.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành về lĩnh vực CNTT cũng còn bất cập, đặc biệt là việc đào tạo kiểm toán viên trong khai thác, xử lý dữ liệu điện tử từ các hệ thống thông tin của các đơn vị được kiểm toán.
Việc truy cập, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán của các bộ, cơ quan trung ương, các đơn vị được kiểm toán còn gặp những khó khăn nhất định; dữ liệu điện tử thu thập thông qua cuộc kiểm toán chưa được lưu trữ tập trung.
Nhận thức về an toàn thông tin, an ninh mạng của cán bộ, công chức của KTNN cỏn chưa đầy đủ.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 88-NQ/ĐU, Nghị quyết số 89- NQ/ĐU, Nghị quyết số 90-NQ/ĐU, Nghị quyết số 103-NQ/ĐU và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian qua, tại Nghị quyết số 74 - NQ/ĐU, Đảng ủy KTNN yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người lao động hiểu rõ về tầm quan trọng, sự cần thiết; các quan điểm, mục tiêu, nội dung và các giải pháp được đề ra tại 04 Nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị.
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong thực hiện các Nghị quyết; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và nâng cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo đơn vị được giao chủ trì trong tổ chức và thực hiện từng nghị quyết; phối hợp giữa đơn vị được giao chủ trì với đơn vị tham gia; phối hợp giữa Đảng ủy KTNN với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
Nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng kế hoạch được duyệt. Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, bố trí nhân lực, thời gian để hoàn thành theo kế hoạch. Chú trọng tăng cường công chức có trình độ pháp luật, chuyên môn kiểm toán, kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng pháp luật cho các đơn vị tham mưu xây dựng thể chế.
Bám sát chủ trương Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương để đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục vị trí việc làm của KTNN làm cơ sở thực hiện Đề án cơ cấu phát triển và sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức KTNN giai đoạn 2021-2025 phù hợp với cơ cấu ngạch công chức, viên chức KTNN đã được xác định theo Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030.
Thực hiện nghiêm túc Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trong công tác rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện phân cấp mạnh mẽ, hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; tiếp tục nghiên cứu kiện toàn, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù họp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của KTNN trong từng thời kỳ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho công chức, viên chức; bổ sung công chức, viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp cho các đơn vị còn thiếu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ./.
Hà Linh