Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu thực trạng, việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu rõ, có những nội dung văn bản đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật…
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc nợ, chậm ban hành là vấn đề đã bàn từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, số lượng văn bản bị nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.
Tình trạng chậm, nợ văn bản là có thật, mặc dù đã cố gắng nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…
Nguyên nhân là do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc có những Luật, Nghị quyết có thời điểm thông qua và có hiệu lực ngắn nên phải thực hiện cấp tốc các Nghị định nhưng vẫn không kịp, thí dụ các Nghị quyết về thí điểm chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố.
Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật. Trong đó, quy định chi tiết việc bảo đảm kỷ luật hành chính trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm tổ chức thi hành.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định về một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản, yêu cầu nếu trách nhiệm của Bộ, ngành nào phải ban hành văn bản, soạn thảo và chủ động ban hành mà không có sự chủ động đó thì phải chịu trách nhiệm.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các quy định của Hiến pháp, pháp luật kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy còn hạn chế, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng trả lời trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy, qua đó góp phần quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lập quy.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu quan điểm, quyết tâm xuyên suốt của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ là hạn chế việc lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ được cài cắm vào các văn bản pháp luật, bởi đó cũng là một dạng tham nhũng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về những chế tài cần phải nghiêm khắc ra sao và Bộ Tư Pháp có giải pháp gì để tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh đối với vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu thực tế quá trình tổ chức thi hành văn bản dưới Luật cho thấy một số Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng trong khâu ban hành một số nội dung quy định chi tiết, nhưng lại mở rộng hơn so với phạm vi được giao quy định chi tiết. Một số nội dung không thông qua được ở Quốc hội thì thiết kế theo hướng giao Chính phủ, Bộ, ngành quy định chi tiết để dễ thông qua và dễ mở rộng thêm nội dung theo ý của cơ quan soạn thảo. Liệu đây có thể coi là dấu hiệu của lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có giải pháp nào để khắc phục.
Về việc kiểm soát quyền lực, vấn đề tham gia giám sát của Nhân dân trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, việc góp ý của Nhân dân, của các cơ quan đã thiết kế cơ chế tương đối ổn định trong pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi công bố các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên các cổng thông tin, thì chưa nhận được sự quan tâm của Nhân dân.
Một số cơ quan, doanh nghiệp, chủ thể khác thường chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình, khi tham gia ý kiến, nhiều trường hợp cũng cần cân nhắc, không thể tiếp thu hết các ý kiến. Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là Nghị định 34, Nghị định 154, khu trú hơn nữa các nội dung các cơ quan chủ trì soạn thảo phải công bố để lấy ý kiến, đồng thời đưa ra các điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo để thu hút thêm ý kiến của nhân dân, tăng cường vai trò truyền thông về chính sách.
Giải trình chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) về lợi ích nhóm, vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng văn bản pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần thực hiện nghiêm các quy định về công chức, công vụ, cụ thể hóa các yếu tố để xem xét, xử lý kỷ luật. Cần xem xét các yếu tố cấu thành, có liên quan đến việc chậm, hoặc thực hiện không đúng các quy định, chức trách công vụ của mình.
Theo Bộ trưởng, ngoài những yếu tố chế tài như ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề xuất vào các vị trí… cần nhấn mạnh hơn nữa kỷ luật công chức, công vụ, công bố đầy đủ thông tin về khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cho thôi chức vụ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã và đang có những hướng xử lý, tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng.
Về chế tài hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, hiện nay thông qua một số các vụ việc về điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã có những phân tích về các vi phạm và chừng mực nào đó gọi là lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. “Có tình trạng thẩm quyền ban hành văn bản không đúng, ban hành gấp gáp, sai lệch chính sách. Trong một số vụ việc cụ thể đã thấy tình trạng này. Nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành, kỷ luật đảng, Quy định 69 về tổ chức kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm và sắp tới có quy định của Bộ Chính trị về vấn đề này” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định có tình trạng các quy định hướng dẫn thực hiện Luật mở rộng phạm vi hoặc hạn chế phạm vi của Nghị định so với Luật. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ trong quá trình tham mưu trong chức năng, nhiệm vụ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có biện pháp đủ mạnh trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết vấn đề này.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có 28 vị ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với 43 vấn đề liên quan đến công tác: Xây dựng pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đấu giá tài sản và giám định tư pháp. Có 05 ĐBQH phát biểu tranh luận và 26 ĐBQH đăng ký nhưng chưa có thời gian phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản để Bộ trưởng trả lời.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao của các ĐBQH như của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn. Các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời cơ bản đầy đủ, hết các nội dung các câu hỏi và các nội dung tranh luận của các ĐBQH. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số ý kiến có liên quan được ĐBQH quan tâm. UBTVQH sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát./.
Hà Linh