Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn, chuyên nghiệp, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn; chất lượng của đội ngũ Đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng Đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá còn một số hạn chế, khó khăn. “Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là buông lỏng” – ông Lê Thành Long nói.
Theo Bộ trưởng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện Đấu giá viên; quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá; tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề, như bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia về: Bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về: Hồ sơ đánh giá năng lực; điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường.
Tham gia thảo luận về dự án Luật, các thành viên UBTVQH cho rằng, hồ sơ của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản phải khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, cục bộ, lợi ích nhóm.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại Tờ trình dự án Luật trình ra Quốc hội phải nói rõ: Pháp luật về đấu giá tài sản là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó Luật Đấu giá tài sản chỉ là một Luật và chủ yếu mang tính hình thức. Những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đấu giá tài sản hiện nay nằm ở trong nhiều văn bản chứ không chỉ nằm ở trong Luật này. Trên thực tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có nhiều văn bản yêu cầu phải rà soát, phải sửa đổi để khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực cục bộ, lợi ích nhóm trong các lĩnh vực trọng tâm và nhạy cảm, trong đó có lĩnh vực đấu giá tài sản.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa Luật hình thức và Luật nội dung. Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các Luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc sửa đổi Luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không?
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.
Trong dự thảo Luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi. Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ý kiến của UBTVQH, ý kiến các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội. Trong đó, tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản và nâng cao tính khái quát, tính hệ thống hóa, kế thừa những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn; đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm thực chất, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát hoạt động đấu giá tài sản, thực hiện tốt chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính; rà soát, đánh giá kỹ tác động chính sách, điều khoản bổ sung để bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, để Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.
Phương Ngọc