Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh KTNN và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hằng năm. Ảnh: Nguyễn Ly
Tham dự Hội nghị, về phía KTNN có Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN. Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố.
Khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá: Trong những năm qua, kết quả đạt được của công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của KTNN và các địa phương.
Hằng năm, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã tư vấn HĐND, UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách. Những thông tin, dữ liệu trao đổi giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã có tác dụng tích cực cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng địa phương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán ngân sách, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hằng năm được Quốc hội giao.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III Lê Quí Hưng, thời gian qua, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố luôn quan tâm phối hợp và chỉ đạo các cơ quan tổng hợp như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập các thông tin cần thiết phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Các địa phương đã tổ chức công khai kết quả kiểm toán, kết luận, kiến nghị của KTNN đến đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND về lĩnh vực tài chính, ngân sách; khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phía KTNN, các ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của KTNN góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là cơ sở quan trọng để HĐND các tỉnh, thành phố xem xét trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp, thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu số phù hợp với Luật KTNN.
KTNN khu vực III làm việc với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan để thông báo dự kiến kế hoạch kiểm toán, từ đó thống nhất, giảm thiểu sự trùng lặp về kế hoạch kiểm toán với kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát tại địa phương; bố trí báo cáo viên, giảng viên có chuyên môn để trao đổi với HĐND, UBND các tỉnh, thành phố một số nội dung liên quan đến việc quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước theo đề xuất của địa phương.
Các bên tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của KTNN và HĐND, UBND các tỉnh, thành phố theo quy định.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá: Thời gian qua, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với tỉnh Bình Định rất xác đáng, giúp địa phương thực hiện tốt và kịp thời chấn chỉnh việc phân bổ, giao dự toán, điều hành ngân sách, từng bước hạn chế bất cập trong điều hành ngân sách địa phương. Đồng thời, tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN với tỷ lệ cao, năm 2020, thực hiện được 98% và 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.
Về phía Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cũng đánh giá cao các hoạt động của KTNN và các báo cáo kiểm toán của KTNN có vai trò quan trọng, giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách, tài sản công, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Các kết luận, kiến nghị của KTNN là thông tin tin cậy giúp HĐND, UBND các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, góp phần làm lạnh mạnh hóa nền tài chính.
Tại Hội nghị, lãnh đạo HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố đã đề xuất một số nội dung như: KTNN cùng tham gia ý kiến với HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách trên địa bàn tỉnh; kiến nghị HĐND, UBND bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tỉnh ban hành không còn phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan; phối hợp kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tế tại địa phương.
Đồng thời, các cơ quan thường xuyên phối hợp bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp việc tuyên truyền phổ biến về Luật KTNN, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của KTNN.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá: KTNN khu vực 3 nằm trên địa bàn chiến lược về kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng và cũng là khu vực phát triển kinh tế năng động. Trong suốt 27 năm, KTNN khu vực 3 đã thực hiện 155 cuộc kiểm toán và kết quả kiểm toán đã được HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của các địa phương.
Thời gian tới, KTNN cố gắng phối hợp tốt hơn, đồng hành, chia sẻ với các địa phương. Trong đó, KTNN và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hằng năm sát và đúng; xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “ít nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và bộ, ngành, kiểm toán các chuyên đề toàn Ngành phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh đó, KTNN thực hiện kiểm toán chuyên đề gắn với thực tiễn tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo không trùng lặp, không chồng chéo, hạn chế tối đa tần xuất xuất hiện của cơ quan kiểm toán tại các địa phương, đơn vị. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với KTNN trong việc triển khai thực hiện kiểm toán, cung cấp hồ sơ, tài liệu, trao đổi thông tin, giám sát hoạt động của đoàn, tổ và kiểm toán viên để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Các bên tăng cường phối hợp trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hầu hết các kiến nghị kiểm toán đã được các tỉnh, thành thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tỷ lệ thực hiện hằng năm luôn đạt trên 83% (cao hơn bình quân chung hằng năm của Ngành, năm 2021 thực hiện đạt 80,08%). Vì vậy, thời gian tới, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Ngoài ra, các địa phương phối hợp với KTNN tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về KTNN, chuẩn mực, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN, nhất là Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/02/2023.
Tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cũng đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán nhà nước” cho 11 cán bộ thuộc HĐND, UBND 4 tỉnh, thành phố./.
Thùy Lê