(sav.gov.vn) - Chiều 7/9, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0” do Ths. Trần Đức Lâm (Vụ Tổ chức cán bộ) và Ths. Trần Ngọc An (KTNN chuyên ngành II) đồng chủ nhiệm.
ThS. Trần Đức Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly
GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN làm chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu và Ban Đề tài.
Theo Ths. Trần Đức Lâm, tương lai của lĩnh vực kiểm toán nói chung và cơ quan KTNN nói riêng đang thay đổi từng ngày, từng giờ và được định hình bởi những thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Sự phát triển như vũ bão của những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing)... ảnh hưởng sâu sắc đến khái niệm, phương thức, hình thức, phương pháp và cấu trúc của ngành kiểm toán.
Đây vừa là thời cơ nhưng đồng thời cũng là thách thức với ngành kiểm toán nói chung và kiểm toán nhà nước nói riêng. Đặc biệt, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiểm toán đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lờn cùng với yêu cầu phải nâng cao trình độ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công việc.
Năm 2016, Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT và đặc biệt là Big data, AI… không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số.
Nắm bắt và nhận thức được ảnh hưởng của Big Data và AI cùng các ứng dụng công nghệ 4.0 khác các SAI như Anh, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc ... đã tích cực triển khai ứng dụng Big data và AI vào hoạt động của đơn vị, tổ chức và coi CNTT như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, trước sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là công cụ hữu hiệu trong việc cải cách hành chính, tiến tới hình thành Chính phủ số. Do vậy, hơn lúc nào hết, KTNN cần có những nghiên cứu mang tính học thuật và thực tiễn cao để xác định chiến lược phát triển ứng dụng CNTT trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng và toàn diện hơn để bắt kịp với xu thế phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Điều này càng trở lên quan trọng trong bối cảnh Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cho phép KTNN “được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”. Đây vừa là cơ hội song hành là thách thức đối với cơ quan KTNN trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình đã được hiến định trong Hiến pháp, đòi hỏi kiểm toán viên ngày càng phát chuyên nghiệp hơn và năng lực triển khai ứng dụng các công nghệ 4.0 cũng cần phải mạnh mẽ hơn.
Đề tài “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Kiểm toán nhà nước trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0” được kết cấu thành 3 chương: Chương I - Những vấn đề chung về công nghệ 4.0 và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN; Chương II - Thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại KTNN; Chương III - Một số đề xuất, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Kiểm toán nhà nước thông qua việc ứng dụng công nghệ 4.0.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài cơ bản đã làm rõ những vấn đề chung về công nghệ 4.0 và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN; đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0, từ đó nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KTNN.
Đặc biệt, Đề tài thực hiện phỏng vấn 190 người và đề xuất mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0, đã làm tăng giá trị khoa học của Đề tài.
Để Đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề xuất nhóm nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung: trình bày rõ hơn các bài học kinh nghiệm của các SAI có thể áp dụng cho KTNN Việt Nam; làm rõ định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của KTNN trong môi trường ứng dụng công nghệ 4.0; hoàn thiện các khuyến nghị gắn với kết quả từ các mô hình nghiên cứu.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
THÙY LÊ