Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước

12/09/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 12/9, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2023 và dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cùng đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN tham dự Phiên họp.

Sẽ hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2023 theo đúng tiến độ

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 của KTNN gồm 129 nhiệm vụ kiểm toán, được tổ chức thành 166 Đoàn kiểm toán.
 
Đến ngày 31/8/2023, KTNN đã tổ chức xét duyệt 127 KHKT, triển khai 114 Đoàn kiểm toán, trong đó 93 Đoàn kiểm toán đã kết thúc; hoàn thành và tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT) và đã phát hành chính thức 61 BCKT.
 
 Tổng hợp sơ bộ đến ngày 31/8/2023, KTNN đã kiến nghị 10.723 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị tăng thu NSNN 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.
 
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo điều tra 01 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 265 hồ sơ, BCKT và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
 
Ngay từ đầu năm, KTNN đã sớm ban hành nhiều văn bản triển khai hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, bám sát nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 đã xác định kiểm toán các chuyên đề phục vụ Quốc hội giám sát tối cao và theo yêu cầu của Quốc hội như: kiểm toán đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia; chuyên đề “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2022” (thực hiện kiểm toán tại 04 bộ, cơ quan trung ương và 02 địa phương); một số chuyên đề thực hiện kiểm toán theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội...
 
“KTNN sẽ hoàn thành 100% KHKT năm 2023 theo đúng tiến độ đã đề ra, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương năm 2022. Trên cơ sở đó, kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2024” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh.
 
Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 31/8/2023 là 48.227 tỷ đồng/71.605 tỷ đồng, đạt 67,4% (cùng kỳ năm trước là 56,3%); đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế chính sách là 19/270 văn bản; 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện. Số liệu chưa thực hiện kiến nghị còn lại đang được KTNN tiếp tục đôn đốc các đơn vị kiểm toán thực hiện và tổng hợp báo cáo.
 
Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15, KTNN đã thực hiện công khai danh sách các đơn vị chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 trên Cổng Thông tin điện tử của KTNN; đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách khảo sát với một số Bộ ngành, địa phương và tổ chức phiên giải trình về thực hiện kiến nghị của KTNN niên độ 2021 trở về trước.
 

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia

Báo cáo UBTVQH về dự kiến KHKT năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nêu rõ, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 không tăng so với KHKT đầu năm 2023; đồng thời phải đảm bảo lộ trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, Bộ, cơ quan trung ương, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin.
 
Theo đó, KTNN lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
 
Với định hướng trên, dự kiến KHKT năm 2024 của KTNN bao gồm 123 nhiệm vụ kiểm toán so với 129 nhiệm vụ theo KHKT năm 2023.
 
Trong đó, ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 và trình ý kiến về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, dự kiến KHKT năm 2024 gồm: Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 34 Bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt tỷ lệ 90,5%, năm 2023 là 83%); 08 nhiệm vụ kiểm toán hoạt động và 25 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề; 21 nhiệm vụ kiểm toán dự án đầu tư; 13 nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính, ngân hàng; 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng; 06 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an ninh, tài chính Đảng.
 
Đặc biệt, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, KTNN lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...

Đ. Khoa

Xem thêm »